Sáng 15/10, tại thành phố Vĩnh Yên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu, đại diện cho hơn 63.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ của tỉnh.
Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về tham dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội còn có ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng-Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương và ông Vũ Văn Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng- Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ...
Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Quang Nghị, nhấn mạnh: Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội và thanh công trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tỉnh cũng còn có những hạn chế đó là phát triển kinh tế đang có xu hướng chững lại, nền kinh tế phát triển thiếu chiều sâu và chưa thực sự ổn định, bền vững. Kinh tế của tỉnh còn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở Tây Bắc cửa ngõ Hà Nội và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Vì thế, tỉnh cần tạo ra các cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh và phát triển. Cơ cấu lại ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển mạnh sản xuất công nghiệp để thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nêu rõ: Đại hội đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực; phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương."
Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV...
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và bầu Đoàn Đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước; bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 6,36%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt hơn 67 triệu đồng/người, gấp 1,56 lần so với năm 2010.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến năm 2015 tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 62,12%, dịch vụ chiếm 28,11% và nông- lâm nghiệp- thủy sản còn 9,77%. Giai đoạn 2010- 2015, Vĩnh Phúc đã thu hút được 268 dự án, trong đó có 102 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 1,26 tỷ USD.
Nhờ công nghiệp phát triển mạnh, Vĩnh Phúc nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng nghèo khó, đặc biệt thu ngân sách hàng năm đạt được những kết quả đầy ấn tượng. Nếu như thu ngân sách khi mới tái lập tỉnh (năm 1997) chỉ có hơn 100 tỷ đồng thì đến năm 2014, thu ngân sách tỉnh đạt gần 21.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 17.703 tỷ đồng. Năm 2015, thu ngân sách nhà nước tỉnh ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng (Thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng đầu năm đã đạt 17.991 tỷ đồng).
Nhờ phát triển nhanh bộ mặt nông thôn và đô thị có sự chuyển biến mạnh, tích cực: Đến hết năm 2014 Vĩnh Phúc có gần 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 72 xã, đạt tỷ lệ 64,3% số xã trong tỉnh.
Tỉnh phấn đấu hết năm 2018 có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên, thị xã Vĩnh Yên đã được Vĩnh Phúc tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng hàng loạt công trình lớn và cơ sở hạ tầng đô thị, đồng thời chỉnh trang để trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đến nay, thành phố Vĩnh Yên đã trở thành đô thị loại II, thị xã Phúc Yên thành đô thị loại III; 20 thị trấn, xã của tỉnh được công nhận là đô thị loại V.
Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh được tăng cường; hệ thống chính trị Vĩnh Phúc không ngừng được củng cố, hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.”
Báo cáo chính trị cũng nêu bật những hạn chế của tỉnh, đó là: Phát triển kinh tế đang có xu hướng chững lại do một số sản phẩm chủ lực tiêu thụ khó, nhất là sản phẩm ôtô, xe máy đang ở thời điểm bão hòa. Nền kinh tế phát triển thiếu chiều sâu và chưa thực sự ổn định, bền vững. Tỉnh chưa thu hút được nhiều những doanh nghiệp lớn mạnh, các doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Vĩnh Phúc gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tạm dừng hoạt động sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Một số ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Du lịch chưa trở thành ngành mũi nhọn, sản phẩm còn đơn điệu, hạ tầng du lịch và chất lượng dịch vụ chư đáp ứng yêu cầu, do đó thiếu hấp dẫn du khách. Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Hầu hết các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động yếu kém và chưa tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển nhanh, bền vững; thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng động bộ, hiện đại.
Tập trung phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý tài nguyên, nhất là tài nguyên đất; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên.../.