Sáng 25/4, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 vấn đề quan trọng. Thứ nhất xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Thứ 2 cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ 3 cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Thứ 4 cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước. Thứ 5 cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về việc phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và việc nhập chia điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị quyết về phân loại đô thị.
Giữ nguyên mức hoạt động phí hiện hành với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tờ trình của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trình bày cho biết dự thảo Nghị quyết gồm 07 Điều trên cơ sở kế thừa các quy định về chế độ cung cấp báo cáo, tài liệu tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH1.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiền lương, hoạt động phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng, khen thưởng theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về phòng làm việc, máy móc, trang thiết bị văn phòng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; chi hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu.
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh việc thông qua dự thảo Nghị quyết là cấp thiết để cụ thể hóa những quy định tại Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân để phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần tập trung làm rõ các bất cập trong các quy định chế độ đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân ở một số văn bản; trên cơ sở đó rà soát lại hệ thống văn bản đã làm hạn chế việc áp dụng các chế độ, chính sách hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân ở các địa phương khác nhau. Đồng thời, phải bảo đảm được tính thống nhất về chế độ của đại biểu Hội đồng Nhân dân trên cả nước, thể hiện được sự công khai, minh bạch và tương đồng về chế độ, chính sách được hưởng giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh cần làm rõ việc Nghị quyết mới ra đời có đảm bảo để hoạt động của Hội đồng Nhân dân thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế, khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay là vật cản làm giảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng theo Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương, vai trò, vị trí của Hội đồng Nhân dân đã được tăng cường, qua đó tăng tính hiệu lực của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nên nếu để chế độ, chính sách, các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân như 10 năm trước đây là không hợp lý, cần thiết phải sửa đổi.
Hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay. Tờ trình của Chính phủ trình 2 phương án: Phương án 1: giữ nguyên như hiện hành; Phương án 2: tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp (thành 0,4; 0,5, 0,6 mức lương cơ sở tương ứng với cấp xã, huyện, tỉnh).
Theo Tờ trình của Chính phủ, Phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí theo phương án này là 1.461,4 tỉ đồng/năm.
Thực hiện phương án này bảo đảm được tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương và mức phụ cấp trách nhiệm công việc cao nhất quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ nhưng sau hơn 10 năm thực hiện nhiều địa phương đề nghị tăng thêm để góp phần động viên, khuyến khích các đại biểu khi mức lương cơ sở còn thấp.
Phương án 2 tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo phương án này là 1.932,6 tỉ đồng/năm.
Về vấn đề này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội là cơ quan thẩm tra tán thành với Phương án 2 của Chính phủ vì cho rằng, mức hoạt động phí hiện hành đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân còn thấp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng do chế độ đã được ban hành hơn 10 năm nên mức hoạt động phí này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, chưa thực sự khuyến khích đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động tích cực, cần thiết phải sửa đổi.
Tuy nhiên một số ý kiến băn khoăn vì thực hiện phương án 2 thì mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân tăng lên sẽ động viên, khuyến khích đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước phải bố trí tăng thêm khoảng 471,2 tỉ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ phát sinh bất hợp lý (cao hơn) với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên tại Quy định số 169-QĐ/TW ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 của Chính phủ trình. Theo đó đại biểu Hội đồng Nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau: a) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở; b) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở; c) Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở; d) Đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thành lập tương đương với cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì được hưởng hoạt động phí tương ứng với cấp đó.
Theo đề nghị của Chính phủ thì Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/6/2016. Nhiều ý kiến cho rằng, do văn bản này được ban hành không phải là trong trường hợp khẩn cấp, nên áp dụng khoản 1 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị thời gian có hiệu lực là ngày 1/7/2016.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trang phục của Thẩm phán khi xét xử phải thể hiện được sự uy nghiêm, trang trọng
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các nội dung: về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán Cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Thẩm tra Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân, về hệ thống thang, bảng lương đối với các ngạch Thẩm phán, các ngạch Thẩm tra viên, các ngạch Thư ký Tòa án, Ủy ban Tư pháp có quan điểm Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định thêm hai chức danh mới là Thư ký viên chính và Thư ký viên cao cấp; đồng thời giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch đối với Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Tuy nhiên, đến nay các tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch này vẫn chưa được quy định. Mặt khác, đây không phải là việc thành lập tổ chức mới. Vì vậy, nếu bổ sung ngay thang, bảng lương đối với các chức danh này là chưa phù hợp, dẫn đến phải bổ sung thang, bảng lương mới của Thẩm tra viên, Thẩm phán, làm thay đổi toàn bộ hệ thống thang, bảng lương của tất cả cán bộ, công chức Tòa án ở mức độ cao hơn hiện nay.
Về vấn đề này, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ cũng đã có ý kiến “đề nghị áp dụng chung các bảng lương hiện hành, không xây dựng bảng lương mới”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị vẫn áp dụng hệ thống thang, bảng lương của cách chức danh này theo quy định hiện hành, được quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Tư pháp thấy rằng chế độ tiền lương của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, việc chấp nhận phương án nào do Tòa án nhân dân tối cao đề xuất cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Trong khi chưa có Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương thì cần tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 81/2014/NQ-QH13 của Quốc hội để Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục được hưởng thang, bảng lương theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (thang, bảng lương của công chức A3, gồm 6 bậc từ 6,2 đến 8,0). Quy định như vậy là bảo đảm tương ứng với tiền lương của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì xếp lên 1 bậc lương liền kề của bậc lương hiện hưởng tại thời điểm bổ nhiệm là phù hợp.
Về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay màu đen nhằm thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất hình ảnh của Tòa án và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về thiết kế riêng của từng loại trang phục xét xử của các ngạch Thẩm phán. Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đồng ý với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ sung trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay màu đen vì Thẩm phán là người trực tiếp tiến hành xét xử, thực hiện quyền tư pháp và nhân danh Nhà nước để tuyên các bản án, quyết định liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Do đó, trang phục của Thẩm phán khi xét xử phải thể hiện được sự uy nghiêm, trang trọng cũng như cần tính đến yếu tố hội nhập quốc tế. Hiện nay, Thẩm phán sử dụng trang phục làm việc để tiến hành xét xử là chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt với trang phục của nhân viên các cơ quan, tổ chức và của người khác. Tuy nhiên, mẫu mã, mầu sắc cụ thể của áo choàng xét xử của Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mà không giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định....
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 tại một số nước./.