Không cắt giảm khí cácbon, nhiệt độ sẽ tăng tới 7,5 độ C vào năm 2070

Nắng nóng sẽ ‘gần như không thể sống nổi’ nếu không giảm thải cácbon

Một nghiên cứu quốc tế vừa được công bố cho rằng nếu xu thế phát thải khí cácbon tiếp tục tăng thì một phần ba con người sinh sống sẽ nóng như khu vực sa mạc Sahara trong vòng 50 năm tới...
Nắng nóng sẽ ‘gần như không thể sống nổi’ nếu không giảm thải cácbon ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: abc.net.au)

Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng chiều 5/5 cho biết theo nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu, nếu lượng phát thải khí nhà kính không giảm xuống thì các khu vực trên hành tinh - nơi có khoảng một phần ba con người sinh sống sẽ nóng như sa mạc Sahara trong vòng 50 năm tới.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng những phát hiện này được công bố khi hàng tỷ người bị phong toả trong cuộc khủng hoảng virus corona, là một cảnh báo rõ ràng rằng việc tiếp tục phát thải cácbon sẽ ngày càng khiến thế giới có nguy cơ đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ.

Theo kịch bản, xu thế phát thải tiếp tục tăng thì nhiệt độ mà người bình thường trải qua sẽ tăng 7,5 độ C vào năm 2070. Con số đó cao hơn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến là hơn 3 độ C vì đất liền sẽ nóng nhanh hơn nhiều so với đại dương và cũng bởi sự gia tăng dân số thiên về những nơi vốn đã nóng từ trước đó.

Sự gia tăng nhiệt độ nhanh chóng kết hợp với sự thay đổi dân số toàn cầu dự kiến đồng nghĩa với khoảng 30% dân số của thế giới sẽ sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình trên 29 độ C trong vòng 50 năm tới, nếu khí thải nhà kính tiếp tục tăng.

Nắng nóng sẽ ‘gần như không thể sống nổi’ nếu không giảm thải cácbon ảnh 2Nghiên cứu về sự nóng lên toàn cầu.

Giáo sư Jens-Christian Svenning đến từ Đại học Aarhus (Đan Mạch) cho rằng sự thay đổi trên sẽ đưa 3,5 tỷ người vào những điều kiện “gần như không thể sống nổi.”

“Virus corona đã thay đổi thế giới theo những cách khó có thể tưởng tượng được vài tháng trước đây và kết quả của chúng tôi cho thấy biến đổi khí hậu có thể làm điều gì đó tương tự,” giáo sư Scheffer đến từ Đại học Wageningen (Hà Lan) nói và cho rằng điều duy nhất có thể ngăn chặn là cắt giảm lượng phát thải khí cácbon. 

Các tác giả cũng lưu ý rằng một phần trong số 3,5 tỷ người tiếp xúc với nhiệt độ cực cao nếu biến đổi khí hậu không suy giảm có thể sẽ tìm cách di cư. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác ngoài khí hậu sẽ ảnh hưởng đến quyết định di cư và một phần áp lực di cư có thể được giải quyết thông qua thích ứng khí hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục