Không có lối tắt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Nhiều nước đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh mà không phải trả cái giá quá đắt về kinh tế-xã hội do biện pháp phong tỏa.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Manila, Philippines, ngày 5/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm ở Manila, Philippines, ngày 5/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Con số 40 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đến sớm hơn so với dự tính. Chỉ 2 tuần, tức 14 ngày sau khi tổng số ca mắc COVID-19 chạm ngưỡng 35 triệu (ngày 4/10), đến tối 18/10, thêm 5 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận.

Trước đó, trong 18 ngày, danh sách bệnh nhân COVID-19 đã tăng từ 30 triệu lên 35 triệu người, tương tự giai đoạn từ mức 25 triệu ca lên 30 triệu ca. Như vậy, có thể thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu nhanh và mạnh hơn, khi nhiều khu vực trên thế giới bước vào mùa Đông.

Trước tình hình này, nhiều nước đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh mà không phải trả cái giá quá đắt về kinh tế-xã hội do biện pháp phong tỏa.

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đang tăng vượt các mức từng ghi nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu rất đáng lo ngại khi hơn 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng trong tuần thứ hai của tháng 10, số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại châu Âu tăng cao gần gấp 3 lần so với thời điểm đỉnh dịch đầu tiên trong tháng 3 năm nay.

Dù số ca tử vong tại “lục địa già” tuần qua thấp hơn nhiều so với hồi tháng 3, song số ca mắc và nhập viện gia tăng khiến nhiều bệnh viện có nguy cơ quá tải.

Đại diện WHO tại châu Âu cũng cảnh báo mức độ tử vong do COVID-19 ở châu Âu có thể cao gấp 4-5 lần so với thời điểm tháng 4 nếu như từ nay đến tháng 1/2021 không có các biện pháp chặn đà lây lan của dịch bệnh. 

Riêng tuần qua, số ca mắc mới ở châu Âu tăng hơn 44%. Pháp, Đức, Áo, CH Séc, Ba Lan đều ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng cao chưa từng có, trong đó Pháp trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 30.000 ca mắc mới.

[Italy ban hành sắc lệnh mới về phòng chống dịch bệnh COVID-19]

Các nước Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha góp phần khoảng 50% trong tổng số ca mắc mới của châu Âu. Tổng số ca mắc mới tại châu lục này trong ngày 16/10 đã vượt 150.000 ca, chỉ một tuần sau lần đầu tiên công bố 100.000 ca mắc mới trong một ngày. Đáng chú ý, đây cũng là ngày lần đầu tiên thế giới ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới. 

Tại Mỹ, sau một thời gian tạm ổn định, số ca mắc và nhập viện đang gia tăng trở lại, khiến dư luận lo ngại đây có thể là khởi đầu của làn sóng dịch thứ ba, như các chuyên gia đã cảnh báo trước đó. Tuần qua, trung bình mỗi ngày có 54.000 ca mắc COVID-19 tại Mỹ, tăng 25% so với hai tuần trước.

Tại điểm nóng dịch Ấn Độ, mặc dù số ca mắc mới tính theo ngày đã chậm lại, trung bình khoảng 70.000 ca mỗi ngày, song tốc độ lây nhiễm vẫn cao. Nếu tính từ mốc 6 triệu đến mốc 7 triệu ca nhiễm được ghi nhận ngày 11/10 vừa qua, có thể thấy rõ chỉ trong vòng 13 ngày quốc gia Nam Á này đã có thêm 1 triệu ca mắc.

Các chuyên gia y tế cảnh báo hoạt động tụ tập đông người trong các lễ hội lớn vào cuối tháng này và tháng 11, cũng như những tháng mùa Đông, có nguy cơ khiến virus lan mạnh hơn ở Ấn Độ. 

Không có lối tắt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở thủ đô Prague, CH Séc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại một số nước Đông Nam Á, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Indonesia là điểm nóng nhất khi vượt Philippines trở thành quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực, với trung bình khoảng 4.500 ca mỗi ngày. Malaysia liên tiếp ghi nhận những mốc "ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay."

Chỉ trong vòng 1 tuần, số ca mắc mới mỗi ngày ở Malaysia đã tăng gấp đôi. Diễn biến này khiến tình hình COVID-19 ở Đông Nam Á vẫn phức tạp, dù một số quốc gia như Việt Nam sáng 19/10 đã bước sang ngày thứ 47 không có ca mắc trong cộng đồng, hay Lào, Thái Lan đã khống chế được dịch bệnh. 

Giới chuyên gia y tế cảnh báo trong những ngày tới, biểu đồ dịch bệnh sẽ tiếp tục xu hướng đi lên, đặc biệt mạnh tại châu Âu, với "nguy cơ kép" của dịch cúm mùa và COVID-19 vào mùa Đông, nhất là dịp lễ Giáng sinh, đang đến gần.

Theo WHO, vào mùa Đông năm nay ở Nam bán cầu, số ca mắc và tử vong do cúm mùa thấp hơn so với mọi năm do các nước triển khai biện pháp phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã đúng với mùa cúm ở Bắc bán cầu. 

Bệnh cúm và COVID-19 song hành có thể gây thách thức lớn cho hệ thống y tế do hai bệnh về hô hấp này có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Bên cạnh đó, các bệnh viện sẽ có nguy cơ quá tải bởi những người mắc các bệnh khác không thể chung giường bệnh với bệnh nhân COVID-19.

Do đó, WHO đang phối hợp với các nước để triển khai biện pháp toàn diện nhằm chuẩn bị sẵn sàng, phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh hô hấp, trong đó có cúm mùa và COVID-19.

Bên cạnh đối phó với đại dịch COVID-19, các nước vẫn đang tìm lối thoát khỏi suy thoái kinh tế nhờ những đối sách kinh tế vĩ mô đặc biệt. Tuy nhiên, với tương lai không được đảm bảo, kinh tế đang phục hồi một cách chập chững, không đồng đều trong các lĩnh vực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo COVID-19 sẽ gây ra “những vết sẹo lâu dài” đối với nền kinh tế toàn cầu như tăng trưởng năng suất thấp, trong khi gánh nặng nợ nần, bất ổn tài chính, bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng.

Do đó, ưu tiên của nhiều chính phủ giữa làn sóng dịch mới là vừa chống dịch vừa hạn chế tác động của các biện pháp phòng dịch đối với kinh tế và xã hội. Chính phủ nhiều nước đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, khẩn trương khoanh vùng và dập dịch, tránh quay trở lại biện pháp “đóng băng” toàn bộ nền kinh tế như giai đoạn đầu.

Nâng cấp độ cảnh báo, áp đặt lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần tại những “vùng đỏ,” đóng cửa các quán bar và nhà hàng tụ tập đông người, hạn chế số lượng người tại các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, bắt buộc đeo khẩu trang,... là những biện pháp được nhiều nước áp dụng.

Khi thế giới chưa tìm ra thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả, nhiều nước đang kiên trì áp dụng hằng ngày các bước tìm kiếm, truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị ca bệnh. Đây là mô hình chống dịch thành công của một số quốc gia trong giai đoạn đầu chống dịch, như Việt Nam. 

Đối mặt với làn sóng dịch mới và nguy cơ gia tăng mạnh số ca nhiễm trong mùa Đông, một số nước không có lựa chọn nào khác đã phải yêu cầu người dân ở nhà cũng như áp đặt lệnh giãn cách xã hội mới, nhằm tận dụng thời gian để xây dựng kế hoạch, đào tạo nhân viên y tế, bổ sung các trang thiết bị, tăng năng lực xét nghiệm, cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

Đó cũng là khoảng thời gian để cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị và vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả. Việc mở cửa nền kinh tế được thực hiện từng bước một cách thận trọng.

Dù đại dịch gây sức ép lớn đối với nhiều chính phủ và cộng đồng, cũng như đe dọa đẩy nhiều người rơi vào cảnh cùng cực, song những bài học bùng phát làn sóng lây nhiễm mới từ tâm lý lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, hay vội vàng mở lại nền kinh tế khi chưa bảo đảm được các điều kiện an toàn, cho thấy thế giới không thể “sốt ruột” trong cuộc chiến chống COVID-19.

Như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng khẳng định, thế giới sẽ "không có lối tắt" và cũng không có "viên đạn bạc" để đối phó với virus SARS-CoV-2. Điều đó cũng có nghĩa sẽ không thể có phương án giải quyết hiệu quả ngay lập tức cho đại dịch toàn cầu này. 

Giải pháp cho vấn đề là một cách tiếp cận toàn diện, sử dụng mọi công cụ sẵn có, đồng thời các nước cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng tiến xa trên chặng đường dài và đầy chông gai này.

Nói cách khác, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo thế giới sẽ chứng kiến ca mắc thứ 45 triệu hay thậm chí 50 triệu trong thời gian còn lại của năm 2020, tìm cách chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2 bằng tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của các chính phủ, cộng đồng và mỗi người dân, được coi là giải pháp tối ưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục