Không gian sống gắn kết trong mô hình đô thị thông minh ở Nhật Bản

Fujisawa Sustainable Smart Town (Fujisawa SST), cách thủ đô Tokyo khoảng 60km, là một trong những đô thị thông minh xuất hiện đầu tiên trên thế giới.
Không gian sống gắn kết trong mô hình đô thị thông minh ở Nhật Bản ảnh 1Một ngôi nhà tại Fujisawa SST. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Tốc độ đô thị hóa đang được đẩy mạnh tại nhiều nơi trên thế giới. Quá trình mở rộng đô thị tạo ra cảm giác không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp. Trong bối cảnh này, việc tìm ra giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của con người, đồng thời vẫn bảo đảm được sự thân thiện với môi trường, đã trở thành một vấn đề quan trọng.

Sự xuất hiện của mô hình đô thị thông minh (smart town) được xem là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán mở rộng đô thị và bảo vệ môi trường, mà Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu.

Fujisawa Sustainable Smart Town (Fujisawa SST), cách thủ đô Tokyo khoảng 60km, là một trong những đô thị thông minh xuất hiện đầu tiên trên thế giới.

Được khai trương vào tháng 11/2014, Fujisawa SST tọa lạc tại nơi vốn là địa điểm nhà máy của Tập đoàn Panasonic và là một dự án liên doanh công-tư giữa chính quyền thành phố Fujisawa, tỉnh Kanagawa với Panasonic.

Mục tiêu của dự án là xây dựng một đô thị sinh thái thông minh với tầm nhìn 100 năm, dành cho khoảng 1.000 hộ gia đình. Fujisuwa SST cung cấp 5 dịch vụ thông minh, phục vụ cuộc sống của con người, bao gồm năng lượng, an ninh, cơ động, tương trợ và gắn kết với xã hội.

Dự án có kinh phí lên tới khoảng 60 tỷ yen (742 triệu USD) với 600 ngôi nhà và 400 chung cư cao cấp dành cho khoảng 3.000 người sinh sống với các đầy đủ các dịch vụ tiện ích.

Fujisawa SST cung cấp cho cư dân các dịch vụ thiết yếu trong đó có năng lượng, an ninh, dạy học ngoại khóa, nhà trẻ, khu vực dành cho người cao tuổi, phòng khám bệnh đa khoa, hiệu thuốc, khoa chẩn đoán bệnh, dịch vụ Wellness tạo ra các tương tác xã hội giúp tất cả cư dân tại khu đô thị có một cuộc sống khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, bên cạnh đó là các trung tâm mua sắm, nhà hàng, trung tâm sinh hoạt chung, công viên...

[Hà Nội xây dựng thành phố thông minh: Chồng chất các vấn đề đô thị]

Các căn nhà riêng và các căn hộ tại đô thị được lắp đặt những trang thiết bị nhằm cung cấp cho người dân một cuộc sống tiện nghi, thân thiện với môi trường. Toàn bộ các trang thiết bị điện, điện tử trong nhà đều có thể kết nối với điện thoại thông minh để điều khiển từ xa. Như vậy, với một chiếc điện thoại kết nối Internet, chủ nhà có thể điều khiển các thiết bị trong gia đình kể cả khi vắng mặt.

Giá bán một ngôi nhà có diện tích khoảng 120m2 dao động quanh mức 12 tỷ đồng Việt Nam, bao gồm cả chi phí pin năng lượng Mặt Trời được lắp trên mái.

Không gian sống gắn kết trong mô hình đô thị thông minh ở Nhật Bản ảnh 2Pin năng lượng Mặt Trời được lắp trên mái nhà tại Fujisawa SST. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Theo các chuyên gia, những ngôi nhà, căn hộ tại Fujisawa SST là nhằm hướng tới lối sống tiết kiệm thời gian và thân thiện với môi trường, giúp những người nội trợ có một không gian nghỉ ngơi, thư giãn trong những khoảng thời gian tiết kiệm được nhờ vào các thiết bị điện gia dụng tiết kiệm thời gian.

Không chỉ là một đô thị với các dịch vụ, tiện ích siêu hiện đại, điểm nổi bật của Fujisawa SST chính là các giải pháp năng lượng siêu tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đô thị, một loạt các tấm pin năng lượng Mặt Trời được lắp đặt, có chiều dài tổng cộng 400m, chạy dọc theo tuyến đường cao tốc song song với đô thị.

Theo Panasonic, 100% công trình xây dựng ở Fujisawa SST đều lắp đặt pin năng lượng Mặt Trời trên mái nhà. Đặc điểm này đã giúp các cư dân ở đây không chỉ thoải mái sử dụng nguồn điện được làm ra từ chính ngôi nhà của mình, mà còn có điện dư thừa để tích trữ hoặc bán lại cho nhà cung cấp điện.

Trong tủ đặt ở phần hành lang lối đi tại cửa ra vào của mỗi ngôi nhà có lắp một pin lithium tích trữ năng lượng, một máy tính bảng có chức năng giúp cư dân kết nối với hệ thống quản lý năng lượng của ngôi nhà, đồng thời giám sát lượng điện đầu vào và lượng điện tiêu thụ. Đem năng lượng đến với cuộc sống, nói cách khác là hoàn toàn tự cung cấp năng lượng cho cư dân tại đô thị chính là tiêu chí hàng đầu của Panasonic khi xây dựng Fujisawa SST.

Fujisawa SST có 3 module năng lượng Mặt Trời công suất 3 megawatt, là một trong những hệ thống phân phối điện cá thể có công suất lớn trên thế giới. Panasonic cũng cho lắp đặt tại đô thị các điểm sạc pin cho ôtô và xe đạp, khuyến khích các cư dân sử dụng những thiết bị không có khí thải.

Với giải pháp năng lượng tận dụng tối đa năng lượng Mặt Trời, Fujisawa SST hướng đến mục tiêu giảm mạnh lượng khí thải CO2 tại đô thị, biến nơi đây trở thành một trong những đô thị sạch nhất thế giới.

Không chỉ vậy, Fujisawa SST còn nổi tiếng với hệ thống an ninh hiện đại. Đây là đô thị đầu tiên của Nhật Bản được sử dụng hệ thống đèn an ninh LED chạy bằng năng lượng Mặt Trời. Hệ thống này có 47 camera giám sát, được gọi là “hệ thống an ninh mở”, hoạt động liên tục 24/24. Trong mỗi căn nhà, đều có một tivi Panasonic 55 inch kết nối với cổng web. Thông qua thiết bị này, người dân trong đô thị có thể ngay lập tức truy cập để quan sát trực tiếp hình ảnh từ các camera an ninh.

Không gian sống gắn kết trong mô hình đô thị thông minh ở Nhật Bản ảnh 3Đường nội bộ tại Fujisawa SST. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Bên cạnh đó, thiết bị nhận diện người đi bộ được lắp đặt tại nhiều điểm ở Fujisawa SST, giúp xác định được cư dân của đô thị và từ đó, khóa cửa sẽ tự động được mở mỗi khi họ trở về.

Một trong những vấn đề cần phải chú trọng ở Nhật Bản là đề phòng động đất. Fujisawa SST đã thực hiện một kế hoạch đề phòng thảm họa động đất gồm tích trữ năng lượng trong các pin dự phòng, dự trữ lương thực dùng cho trường hợp khẩn cấp, các lều trú ẩn tạm thời và các thiết bị sơ cứu tại trung tâm của nhà Trung tâm cộng đồng. Panasonic cho biết năng lượng tích trữ đủ dùng cho đô thị trong 3 ngày.

Không chỉ xây dựng một đô thị hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ, Fujisawa SST còn chú trọng việc tạo ra một cộng đồng đoàn kết và thân thiện. Các cư dân cùng thực hiện mục tiêu của đô thị, tương tác và trao đổi các ý kiến để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đơn vị quản lý đô thị cũng đề cao tiêu chí quan tâm đến suy nghĩ của cư dân, đưa ra các dịch vụ và công nghệ mới và tiếp tục hỗ trợ các giải pháp phát triển bền vững cho đô thị.

Với những kết quả khả quan mà Fujisawa SST gặt hái được sau 4 năm đi vào hoạt động, chính quyền thành phố Fujisawa và Panasonic tin tưởng rằng mô hình Fujisawa SST là dự án kinh tế có tiềm năng sinh lợi lớn, đồng thời là một lời giải cho bài toán đô thị hóa, trong bối cảnh nhu cầu về không gian sống hiện đại và thân thiện ngày một tăng cao./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục