Kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ tái phát và lây lan trên diện rộng các bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm trong thời gian tới rất cao.
Kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm ảnh 1Nhân viên Thú y kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại hộ kinh doanh trong chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những tháng cuối năm luôn là thời điểm phải cảnh giác cao độ với nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, do đó các địa phương phải chủ động triển khai kế hoạch kiểm soát, tập trung phòng dịch hơn chống dịch để giảm thiểu rủi ro.

Đây là nội dung được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh tại hội nghị Triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025” và “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/11.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết về cơ bản đến nay dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng trên gia súc và dịch cúm gia cầm đều được kiểm soát tốt, chỉ còn một số ổ dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học nhưng đã được khoanh vùng, xử lý.

Cụ thể, cả nước có 357 xã thuộc 117 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày; có 13 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại Quảng Nam, Kon Tum, Trà Vinh và Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày và 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; 99,08% trong tổng 34 triệu con gia súc an toàn đối với bệnh lở mồm long móng và 99,06% trong tổng 520 triệu con gia cầm an toàn đối với bệnh cúm gia cầm.

[Kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ TP. Hồ Chí Minh]

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nguy cơ tái phát và lây lan trên diện rộng các bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân là do, virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm ảnh 2Phun khử trùng chuồng trại. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Hiện nay thế giới chưa có thuốc chữa, vắcxin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết những tháng cuối năm diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu cuối năm sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát và lây lan các dịch lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm.

Hơn nữa việc chăn nuôi giá súc, gia cầm theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Ngoài các dịch bệnh cũ, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, ở một số tỉnh phía Bắc đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên gia súc với hơn 400 con mắc bệnh, làm chết 34 con. Đây là một bệnh mới lây từ nước ngoài vào Việt Nam do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi cho thấy, khả năng dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc địa bàn các huyện có dịch bệnh viêm da nổi cục, không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

“Do đó, mặc dù dịch bệnh gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt nhưng các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đặc biệt là các địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn, có địa bàn tiếp giáp biên giới và hoạt động vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm sôi động phải xác định phòng dịch hơn chống dịch vì khi xảy ra dịch sẽ rất khó khoanh vùng, khống chế, nguy cơ thiệt hại lớn về kinh tế và biến động thị trường,” ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về kế hoạch dài hạn, đại diện Cục Thú y cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025” và “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”; trong đó, mục tiêu của “Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025” là chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, trên 90% số xã không có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong 02 năm; trên 95% số xã trong 02 năm tiếp theo và trên 99% số xã trong 02 năm cuối.

Xây dựng thành công ít nhất 500 cơ sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi an toàn dịch bệnh. 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% quy mô vừa và 80% quy mô nhỏ áp dụng chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Trong khi đó, “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu đưa số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10-20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016-2020.

Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố. Xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, việc triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình trên sẽ giúp giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

Đồng thời góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục