Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20/10

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ tám sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tại Nhà Quốc hội mới, thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20/10 ảnh 1Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn của các nhà báo. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Chủ trì cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ tám sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tại Nhà Quốc hội mới, thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong hơn 1 tháng, dự kiến phiên bế mạc vào ngày 28/11 tới.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Theo chương trình, Kỳ họp thứ 8 dành khoảng 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cụ thể: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Đây là Kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp nhiều nhất từ trước đến nay.

Các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); Luật hộ tịch; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật an toàn vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật thú y.

Về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với nhiều nội dung, trong đó có Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015;” dự thảo Đề án, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 14 buổi (tăng 3 buổi so với Kỳ họp thứ bảy) để truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh thời sự (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh thời sự-chính trị-tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữa các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: việc lấy phiếu tín nhiệm lần này vẫn được thực hiện theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi). Qua lần lấy phiếu vừa qua, kết quả được đánh giá là tốt, thể hiện rõ qua những chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực mà người đứng đầu có số phiếu tín nhiệm không cao. Sự chuyển biến này được cử tri và nhân dân đồng tình.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là một kênh để tham khảo trong công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Kết quả việc lấy phiếu vừa qua cũng rút ra một số kinh nghiệm, trong đó có việc xây dựng đề cương chi tiết hơn cho các báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo sự thống nhất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục