Lan tỏa sức mạnh của văn hóa: Giới trẻ sáng tạo từ truyền thống

Nhiều người trẻ tuổi đã góp phần kết nối và làm sống lại nhiều giá trị tưởng chừng như đã mai một, không còn xuất hiện nhiều trong đời sống đương đại một cách hiện đại và dễ hiểu.
Lan tỏa sức mạnh của văn hóa: Giới trẻ sáng tạo từ truyền thống ảnh 1Tôn vinh ngày giỗ Tổ sân khấu truyền thống Việt Nam. (Nguồn: Trường ca kịch viện)

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là "nền tảng tinh thần," "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi."

Mượn lời tiền nhân "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất," Tổng Bí thư đồng tình với quan điểm "Văn hóa còn thì dân tộc còn." Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Người trẻ tuổi thường có những cách nhìn sáng tạo, mới mẻ, độc đáo và dễ thu hút người đồng trang lứa. Đáng quý và trân trọng hơn là họ luôn trân trọng văn hóa dân tộc, tìm nhiều cách phát huy giá trị vốn quý ngàn năm của cha ông.

Họ đã góp phần kết nối và làm sống lại nhiều giá trị tưởng chừng như đã mai một, không còn xuất hiện nhiều trong đời sống đương đại một cách hiện đại và dễ hiểu.

Tú lơ khơ “Tuồng tích”

“Trường ca kịch viện” - cái tên nghe rất cổ điển và hàn lâm nhưng ít ai biết dự án lại do một nhóm học sinh đến từ các trường Trung học Phổ thông thực hiện từ năm 2019 với nhiều hoạt động bài bản.

Đáng quý là ở chỗ các em muốn quảng bá, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần, theo cách dễ tiếp cận hơn với công chúng, nhất là các bạn trẻ. Từ đó, họ góp phần lan tỏa sự quan tâm, niềm yêu mến của cộng đồng đối với cái đẹp, cái hay của nghệ thuật dân tộc.

[Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Nguy cơ "mất trắng" khán giả]

Yến Linh, đại diện nhóm điều hành dự án “Trường ca kịch viện” chia sẻ ca kịch trong tên gọi là kịch và ca hát, gắn với chữ “trường” thể hiện tính trường tồn của nghệ thuật biểu diễn dân tộc. “Viện” ở đây có thể hiểu là “học viện,” “viện bảo tàng” nhằm giáo dục, sưu tầm và trưng bày những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Các thành viên đã lập website truongcakichvien.com, đưa đến cho công chúng thông tin cơ bản về một số nghệ thuật truyền thống như tuồng, rối nước, hát bội, hát xẩm...

Tiếp đó là bộ sưu tập online (hình ảnh, video) về nhiều chủ đề, giúp công chúng có thể vừa học vừa xem một cách sống động các loại hình biểu diễn.

Dự án cung cấp những bài viết nghiên cứu dành cho người tìm hiểu sâu hơn. Thông tin về dự án trên fanpage Facebook nhận được hơn 4.000 lượt người theo dõi.

Trong số các hoạt động của “Trường ca kịch viện” có thể kể đến triển lãm ở sự kiện chiếu phim "Chạm về nguồn cội" của dự án Espelune tại Hà Nội vào tháng 1/2021.

Tại đây, nhóm giới thiệu thông tin về bộ môn tuồng với điểm nhấn là bộ bài “Tuồng tích”- sản phẩm hợp tác với nhóm thiết kế trẻ Marginx và nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài.

Bộ bài “Tuồng tích” được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa tuồng - nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và tú lơ khơ của phương tây. Mỗi lá bài của “Tuồng tích” chứa đựng một nét đặc trưng của sân khấu tuồng.

Đặc biệt, trong bộ bài có sự xuất hiện của 12 nhân vật tiêu biểu trong nghệ thuật tuồng như Chung Vô Diệm, Hồ Nguyệt Cô, Phàn Định Công, Đào Phi Phụng, Tạ Ôn Đình...

Thông qua tạo hình lá bài, nhóm hy vọng có thể truyền tải nét đẹp của nghệ thuật tuồng đến gần hơn với giới trẻ, mong muốn gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam.

Lan tỏa sức mạnh của văn hóa: Giới trẻ sáng tạo từ truyền thống ảnh 2(Nguồn: Trường ca kịch viện)

Yến Linh cho biết sở dĩ nhóm thiết kết bộ bài “Tuồng tích” vì đây là một trò chơi quen thuộc với nhiều người từ già đến trẻ. Nhóm muốn đưa các nhân vật tiêu biểu cùng những hình ảnh quen thuộc của tuồng nhằm giúp khơi gợi sự tò mò, tạo thói quen tri giác mới cho công chúng. Thông qua đó, góp phần tạo sự tìm hiểu, ghi nhớ của công chúng về các nhân vật, mặc khác đây cũng là hình thức truyền tải khá mới mẻ, dễ tiếp cận với nghệ thuật truyền thống.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động trực tiếp chưa được nhiều. Trong năm 2022, nhóm “Trường ca kịch viện” tiếp tục thực hiện triển lãm online và offline tôn vinh sự trường tồn của các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống qua triển lãm các hoạt động, tác phẩm nghệ thuật, tôn vinh những người góp phần tạo ra sự hiện diện và sức vươn của nghệ thuật truyền thống.

Khoác áo mới cho tuồng, chèo

Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc sáng tạo của dự án “Lên ngàn” ấp ủ nhiều dự định mới lạ về sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với nhiều lĩnh vực nghệ thuật đương đại để kể câu chuyện mới về di sản cũng như văn hóa dân gian.

Sau thời gian dài nung nấu ý tưởng, Hoàng Anh kết hợp với Hà Nguyên Long (sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học nghệ thuật Paris, Pháp) và các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam để phát triển kịch bản gốc của vở tuồng "Sơn Hậu," tạo ra một câu chuyện mới kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tác phẩm được trình diễn vào tháng 11/2020, tại khu tập thể cũ ở Văn Chương (Hà Nội) chứ không phải trên sân khấu tuồng trong nhà hát, thực sự đã thu hút được lượng khán giả đông đảo.

Người xem, nhất là giới trẻ rất ngạc nhiên khi thấy tuồng được khoác “bộ áo mới,” có sự kết hợp cực kỳ hài hòa giữa dàn trống trận, kèn bóp hoà quyện với keyboard, kèn Cor và các âm thanh điện tử khác.

Các nghệ sỹ tuồng vẫn hát Nam ai, Nam xuân, vẫn diễn lời tuồng cũ, tiết tấu vẫn rất chậm, nhưng lại được đẩy nhanh nhờ cắt hết các cảnh phụ, kết nối bởi hai vũ công hiện đại trong vai linh hồn của hai nhân vật nguyên bản trong “Sơn Hậu” là Triệu Khắc Thường và Khương Linh Tá.

Hai nhân vật linh hồn mặc quần jeans, áo pull đen, thể hiện các vũ điệu hiện đại..., tạo ra các chiều thời gian thú vị cho vở diễn dài khoảng 60 phút, thay vì 3 tiếng như nguyên bản.

Nghệ sỹ tuồng xuất hiện từ nhiều hướng, biểu hiện nhiều chiều không gian, thời gian; người xem cũng trở thành một phần của vở diễn.

Nghệ sỹ tuồng rất cảm động khi rất lâu rồi mới có thể kéo sát khán giả nhiều thế hệ đến gần với tuồng như thế...

Sau thành công của "Sơn Hậu" ở không gian mở, Nguyễn Quốc Hoàng Anh tiếp tục làm Giám đốc sản xuất cho dự án “Âm-Thanh sắc-Màu,” trong đó, các màn trình diễn có các yếu tố nghệ thuật phương Tây (kèn trumpet, hip hop) hòa quyện với các chất liệu lấy cảm hứng từ văn học, nghệ thuật truyền thống Việt Nam như múa chèo, trống cơm, đàn tranh…

Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã từng theo học âm nhạc cổ điển tại Trường Đại học Văn hóa và Nghệ thuật quân đội; được hướng dẫn cách kết hợp cấu trúc của điệu thức ngũ cung và âm nhạc Việt Nam để tạo nên màu sắc âm nhạc riêng. Anh có nhiều kinh nghiệm ở các dự án nghệ thuật trong và ngoài nước; từng trình diễn tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam…

Lan tỏa sức mạnh của văn hóa: Giới trẻ sáng tạo từ truyền thống ảnh 3Một cảnh trong vở diễn 'Sơn Hậu.' (Nguồn: officielvietnam.com)

Hoàng Anh chia sẻ nhiều người Việt Nam thế hệ mới luôn sẵn sàng mở lòng đón nhận văn hóa toàn cầu nhưng họ cũng không quên việc giữ gìn bản sắc dân tộc và muốn thấy những góc nhìn mới mẻ, độc đáo, ấn tượng.

Do đó, anh luôn mong muốn mang tới cho công chúng những sản phẩm hấp dẫn trên nền chất liệu dân tộc, để họ thấy văn hóa dân gian luôn tươi mới và không hề cũ nếu có cách làm phù hợp…

Cổ vũ sáng tạo văn hóa, tôn vinh và phát huy cái mới

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh nhiệm vụ lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời tin tưởng, nền văn hóa Việt Nam sẽ bừng sáng, hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.

Phó Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, hội nhập sâu rộng…, chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp.

Nhấn mạnh việc tạo ra môi trường cổ vũ sáng tạo văn hóa, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bác Hồ đã từng nói văn hóa là tất cả mọi sự sáng tạo, phát minh của con người. Do đó, phải tạo ra một xã hội, môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế-xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân…

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được. Động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hằng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống trở thành gen di truyền văn hóa trong mỗi con người…Văn hóa là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu…

Việc làm ý nghĩa nhằm gìn giữ, tôn vinh văn hóa dân tộc như nhóm Trường ca kịch viện hay bạn trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh như trên không còn quá hiếm hoi trong đời sống đương đại.

Còn rất nhiều cá nhân, nhóm bạn trẻ khác luôn có những sáng tạo thiết thực, sinh động, mang diện mạo nổi bật, mới mẻ, ý nghĩa nhằm lan tỏa rộng rãi những vốn quý của văn hóa dân tộc, không chỉ ở trong nước mà còn ra thế giới.

Đáng trân trọng hơn cả, dù là thế hệ mới nhưng người trẻ thực sự không lãng quên văn hóa truyền thống mà còn đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu vừa góp phần phát huy giá trị văn hóa dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục