Lấy ý kiến 19 tỉnh thành phía Nam về xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Đại biểu 19 tỉnh thành miền Nam cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và cho rằng các quy định của dự thảo sẽ tháo gỡ, xử lý được các bất cập trong thực tiễn...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: HV/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: HV/Vietnam+)

Ngày 28/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về Tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) với 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai. Đến nay, các địa phương đã tổ chức tổng kết và gửi báo cáo về Bộ.

[Luật Đất đai sửa đổi: Nếu chậm thông qua, hàng trăm nghìn tỷ sẽ ứ đọng]

Quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, ông Ngân cũng lưu ý Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Lấy ý kiến 19 tỉnh thành phía Nam về xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 1Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu trực tuyến. (Ảnh: KT)

Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tập trung thảo luận và làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương; những bài học kinh nghiệm và các giải pháp cụ thể để khắc phục, đặc biệt là các giải pháp chính sách đột phá cần phải có để quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả, bền vững tài sản đất đai.

Đại biểu 19 tỉnh thành miền Nam cũng cơ bản nhất trí với đánh giá tổng kết thi hành Luật Đất đai, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và cho rằng các quy định của dự thảo sẽ tháo gỡ, xử lý được các bất cập trong thực tiễn, giải quyết được các xung đột giữa Luật Đất đai với các Luật liên quan hiện nay.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế; nhất là một số vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau về 11 nội dung của Dự thảo như: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Từ các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nghiêm túc tiếp thu, phân tích và tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo hoàn thành báo cáo góp ý Dự thảo Luật Đất đai và sớm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện trình Chính phủ theo đúng kế hoạch đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục có những ý kiến trong quá trình xây dựng Luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục