Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ

Trưa 30/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra Lễ Kỷ niệm 30 năm lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ, 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự Hội nghị nữ nghị sỹ lần thứ 21,chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Trưa 30/3, trong khuôn khổ IPU-132, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ và 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Tham dự lễ kỷ niệm có: Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch IPU Saber Chowdhury; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Hội nghị nữ nghị sỹ của Liên minh Nghị viện Thế giới nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ nghị sỹ trong Liên minh Nghị viện Thế giới và 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển của phong trào phụ nữ và hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới.

Bắt nguồn từ sáng kiến của các nữ nghị sỹ năm 1978 về việc hình thành nhóm phụ nữ không chính thức, từ năm 1986, Hội nghị nữ nghị sỹ đã trở thành một hoạt động chính thức, định kỳ tại trước phiên khai mạc mỗi kỳ Đại hội đồng, thể hiện sự gắn kết giữa các nghị viện và nữ nghị sỹ các quốc gia thành viên của Liên minh Nghị viện Thế giới, là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại cởi mở về các chủ đề cùng quan tâm và đưa ra quan điểm của mình đối với các vấn đề được xem xét tại Đại hội đồng dưới lăng kính của giới nữ.

Hoạt động trong Hội nghị là những việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa nam và nữ nghị sỹ trong Liên minh Nghị viện và giữa các nghị viện thành viên. Qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội nghị nữ nghị sỹ đã chứng kiến sự tham gia ngày càng đông của nữ nghị sỹ tại Đại hội đồng, từ khoảng 10% nữ nghị sỹ trong những năm đầu tiên, lên đến hơn 30% nữ nghị sỹ trong các kỳ họp gần đây, các vấn đề giới đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều hơn, thường xuyên hơn và thu hút sự quan tâm lớn hơn của tất cả các đại biểu.

Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Năm 2015 cũng đánh dấu 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Hội nghị nữ nghị sỹ tự hào vì các sáng kiến phong phú đã đóng góp trong quá trình hình thành, cũng như các hoạt động tích cực trong việc thực hiện Cương lĩnh.

Từ tháng 10 năm 1995, trong chương trình nghị sự, Hội nghị nữ nghị sỹ đều có phiên thảo luận chung về việc triển khai Cương lĩnh hành động và thảo luận chuyên đề về 1 trong 12 lĩnh vực được đề cập trong Cương lĩnh.

Tại Hội nghị nữ nghị sỹ ngày 28/3 vừa qua, phiên thảo luận với chủ đề “Bắc Kinh+20” đã diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các nghị sỹ.

Tại Hội nghị này, các đại biểu đã đánh giá lại tiến trình 20 năm thực hiện Cương lĩnh, cùng những thành tựu, thách thức, đồng thời tiếp tục khẳng định các cam kết về một thế giới hòa bình, bình đẳng và phát triển.

Hội nghị bên lề “Tầm nhìn Bắc Kinh-Quan điểm của nam giới” được tổ chức ngày 29/3 cũng đã thu hút sự tham gia của các nam nghị sỹ, khẳng định vai trò, trách nhiệm và sự đồng hành của nam giới trên con đường hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hội nghị nữ nghị sỹ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đã được khẳng định trong suốt 30 năm qua và có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất.

Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng, trong hành trình đó luôn có sự đồng hành và ủng hộ tích cực, có hiệu quả từ IPU, từ các nghị viện thành viên và từ tất cả các nghị sỹ tham dự IPU-132...

Với tư cách nước chủ nhà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ niềm vinh dự giữ chức vụ Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ lần thứ 21 của Liên minh Nghị viện Thế giới; cho rằng đây là niềm vinh dự, tự hào không riêng của cá nhân mà còn là của tất cả các đại biểu Quốc hội Việt Nam; khẳng định các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cùng các nữ nghị sỹ trên thế giới nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới và sẽ cố gắng làm hết sức mình để đạt được mục tiêu này.

Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng các nữ nghị sỹ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị nữ nghị sỹ và gửi tới các nữ nghị sỹ cùng toàn thể đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm những lời chúc tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau khi Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua, các nghị viện các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khung thể chế, giám sát thực hiện về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và an ninh, hòa bình thế giới dựa trên các cam kết về bình đẳng và phát triển.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cùng các cam kết quốc tế khác đã được thể chế trong pháp luật Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội từ năm 2008 và thu hút được nhiều nam đại biểu tham gia các hoạt động về bình đẳng giới trong Quốc hội. Các nữ đại biểu đã tham gia tích cực, có trách nhiệm tại Hội nghị nữ nghị sỹ IPU, góp phần vào thành công chung của Hội nghị và các vấn đề giới trong chương trình nghị sự của các kỳ Đại hội đồng.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các hoạt động của cơ chế này; đồng thời đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới, các nghị viện thành viên, các nghị sỹ ủng hộ hoạt động của cơ chế Hội nghị nữ nghị sỹ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện, trong các hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới, thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới trong chương trình nghị sự của nghị viện.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury phát biểu nhấn mạnh vai trò cũng như những thành tựu của Hội nghị nữ nghị sỹ trong 30 năm hình thành và phát triển. Những năm gần đây, thành tựu quan trọng phải kể tới là sự công nhận và đấu tranh cho vấn đề trao quyền cho phụ nữ.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury gửi lời chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ, lòng dũng cảm của những người phụ nữ và nam giới trong thời gian qua đã hoạt động hết sức tích cực cho chương trình nghị sự của IPU. Khi IPU tiến hành các hoạt động, đề xuất những ưu tiên để phát triển cơ chế, tổ chức của IPU đều gắn với sự nghiệp phụ nữ.

Ông Saber Chowdhury vui mừng chia sẻ, nếu năm 1931 tham dự IPU chỉ có 2 phụ nữ, chiếm 1% các đại diện tham dự IPU, năm 2015, tại IPU-132 có thể tự hào khi nhìn vào cơ chế đoàn đại biểu đã có 30% là các nữ nghị sỹ với hơn 200 nữ nghị sỹ tham dự.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm; chúc tình hữu nghị và tinh thần đoàn kết phụ nữ thế giới ngày càng vững mạnh.

Phó Chủ tịch nước chúc mừng Hội nghị Nữ nghị sỹ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 21 đã kiểm điểm lại những thành tựu Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ đã đạt được trong 30 năm qua; thống nhất và ký lời kêu gọi hành động vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới để gửi tới Đại hội đồng IPU-132.

Điểm lại những thành tựu trong công cuộc tăng quyền cho phụ nữ thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, những thành tựu đó là kết quả của những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU và các nghị sỹ quốc hội.

Chia sẻ về những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam là một trong các nước châu Á với nhiều nữ đại biểu Quốc hội nhất và có số nữ giám đốc điều hành đứng thứ nhì ASEAN. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 48%.

Việt Nam đã xây dựng và thực thi nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm hướng tới bình đẳng giới như Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020.

Nhấn mạnh về những thách thức trong công cuộc thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng giới trên toàn cầu, Phó Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay, tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra tại Bắc Kinh năm 1995.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” có ý nghĩa hết sức quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang tập trung nỗ lực nhằm xây dựng và thông qua Chương trình nghị sự sau năm 2015 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Phó Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững đang được đề xuất, mục tiêu thứ 5 “Hoàn tất bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái” tiếp tục là một trong những mục tiêu hàng đầu, thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế.

Phó Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, tại New York vào tháng Chín tới, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tái cam kết hành động nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh để có thể đạt được những tiến bộ sâu rộng hơn trong việc xóa bỏ các rào cản đối với tăng quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới.

Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban điều phối Hội nghị nữ nghị sỹ, bà Margaret Williams đã trình bày “Lời kêu gọi hành động về quyền phụ nữ và bình đẳng giới.”

Nội dung Lời kêu gọi hành động nhấn mạnh: “Nếu bạn là một nghị sỹ, hãy dùng sức mạnh của mình để tạo nên thế giới mà chúng ta mong muốn. Hãy tham gia cũng các nữ nghị sỹ trên toàn cầu để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái. Chúng ta, những nghị sỹ, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU tin tưởng rằng chúng ta có thể và nhất thiết phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đối với phụ nữ và các bé gái thông qua hành động.

Chúng ta, những nhà lập pháp, những đại diện của dân, những người giám sát chính phủ cam kết xây dựng một thế giới đối xử với phụ nữ và các bé gái bình đẳng như với đàn ông và các bé trai ở mọi lứa tuổi, trong mọi lĩnh vực.

Thông qua Quốc hội, chúng ta có sức mạnh để chống lại sự bất công, bất bình đẳng và sự phân biệt đối xử ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và tại mọi thời điểm. Chúng ta cam kết sẽ ban hành các điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội. Chúng ta cam kết sẽ sử dụng các nguồn quỹ cũng như sức mạnh giám sát để những điều luật này được thực thi cho phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ và các bé gái trong tất cả các lĩnh vực và bằng mọi cách có thể.

Chúng ta tiến hành cải cách nền chính trị để gia tăng cơ hội khiến cho phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo và những người ra quyết định trong khu vực công và tư. Chúng ta cam kết sẽ nêu gương và sẽ thành lập các Nghị viện quan tâm đến vấn đề giới có khả năng thể hiện và đảm bảo được bình đẳng giới.

Chúng ta biết rằng sức mạnh của sự đoàn kết giữa phụ nữ trên thế giới cũng như sức mạnh của các nghị sỹ tập hợp lại vì một sự nghiệp chung. Nếu bạn là một nghị sỹ, hãy tham gia cùng với các nghị sỹ nữ trên thế giới. Nếu bạn là một nghị sỹ, hãy sử dụng một cách đúng đắn sức mạnh của bạn và ký.”

Tiếp theo, các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm đã cùng ký vào "Lời kêu gọi hành động về quyền phụ nữ và bình đẳng giới"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục