Liên hợp quốc hối thúc ký thỏa thuận ngừng bắn ở Libya

Các thành viên của Hội đồng Bảo an hối thúc các bên ở Libya tham gia một cách xây dựng vào ủy ban quân sự 5+5 nhằm ký kết thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị quốc tế về Libya ở thủ đô Berlin, Đức ngày 19/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị quốc tế về Libya ở thủ đô Berlin, Đức ngày 19/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên đối địch ở Libya nhanh chóng ký kết thỏa thuận ngừng bắn, mở đường cho tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu rõ: “Các thành viên của Hội đồng Bảo an hối thúc các bên ở Libya tham gia một cách xây dựng vào ủy ban quân sự 5+5 nhằm ký kết thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể."

Ủy ban quân sự 5+5, được nhất trí thành lập tại hội nghị cấp cao về Libya tổ chức vừa qua ở Berlin (Đức), gồm năm thành viên thuộc chính phủ được Liên hợp quốc công nhận ở thủ đô Tripoli và năm thành viên thuộc lực lượng đóng ở miền Đông của Tướng Khalifa Haftar nhằm xác định các cách thức giảm xung đột.

Theo Liên hợp quốc, ủy ban này dự kiến sẽ nhóm họp trong vài ngày tới để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, thay cho thỏa thuận ngừng bắn mong manh hiện có.

[EU khẳng định sẽ hành động nhiều hơn để ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Libya]

Trước đó, các lực lượng miền Đông Libya do Tướng Haftar và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận đã tuyên bố ngừng bắn kể từ 0h00 ngày 12/1 (giờ địa phương, tức 5h00 sáng cùng ngày giờ Hà Nội) theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các lực lượng của Tướng Hafta cảnh báo họ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có trường hợp vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của phe đối lập.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.

GNA được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019, Tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát nhiều khu vực của Libya, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục