Nhân Ngày Di cư Quốc tế (18/12), Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước cùng hợp tác trong việc quản lý dòng hoạt động di cư nhằm đảm bảo rằng những lợi ích thu được từ hoạt động này được phân bổ một cách đồng đều, và quyền con người của những người liên quan đều được bảo vệ - như đã được công nhận trong Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc cho biết, trong thông điệp kỷ niệm Ngày Di cư Quốc tế được tổ chức vào ngày 18/12 hàng năm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh có nhiều bằng chứng cho thấy những người di cư đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho mọi xã hội trên thế giới. Tuy nhiên, nghịch lý là thái độ thù địch với người di cư ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Do đó, ông cho rằng đoàn kết với người di cư là điều cấp bách hơn bao giờ hết.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), William Lacy Swing, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp về sự di cư an toàn trong một thế giới đang chuyển động, và đây cũng là chủ đề của Ngày Di cư Quốc tế 2017. Ông nhấn mạnh đến những lợi ích của Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư dự kiến được thông qua vào cuối năm 2018, nếu như các nước thành viên LLiên hợp quốc hoàn tất được các cuộc đàm phán.
Trong một thông điệp khác, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) ông Audrey Azoulay đã gọi di cư là "một hiện tượng toàn cầu được thúc đẩy bởi nhiều lực lượng," theo đó "UNESCO đang hành động để thúc đẩy những cam kết liên quan đến di cư trong khuôn khổ Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030," và tổ chức này đang hợp tác với các đối tác trong Liên hợp quốc để soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 258 triệu người sống ở quốc gia không phải là nơi "chôn nhau cắt rốn," tăng 49% kể từ năm 2000. Báo cáo Di cư Quốc tế 2017 cũng cho thấy hoạt động di cư quốc tế đóng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng dân số ở nhiều nơi trên thế giới và thậm chí đảo ngược đà suy giảm dân số ở một số quốc gia hoặc khu vực. Trong thời gian 2000-2015, di cư đóng góp 42% tốc độ tăng trưởng dân số ở Bắc Mỹ và 31% ở châu Đại Dương. Cũng trong giai đoạn này, tại châu Âu, nếu như không có người di cư thì tổng dân số đã bị sụt giảm.
Năm 2017, 74% tổng số người di cư quốc tế ở độ tuổi lao động (20-54 tuổi), so với tỷ lệ 57% của dân số toàn cầu. Do người di cư quốc tế chiếm tỷ lệ lớn hơn trong lực lượng lao động nói chung, nên dòng người di cư làm giảm tỷ lệ người phụ thuộc, đó là trẻ em và người cao tuổi./