Luật Ngân sách: "Quy rõ trách nhiệm cá nhân trong các dự án đầu tư"

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc phân cấp rành mạch từ nguồn thu, nguồn chi cũng như các khoản vay, trả nợ sẽ xử lý được tình trạng làm "ào ào."
Luật Ngân sách: "Quy rõ trách nhiệm cá nhân trong các dự án đầu tư" ảnh 1Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, việc phân cấp rành mạch từ nguồn thu, nguồn chi cũng như các khoản vay, trả nợ giữa ngân sách Trung ương và địa phương sẽ xử lý được tình trạng làm ào ào hoặc cứ làm đi rồi không biết được nguồn thu ở đâu như trước đây.

Bên lề kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa 13 diễn ra sáng nay (24/3), đại biểu Phùng Quốc Hiển đã có một số trao đổi với báo chí về những điểm mới trong việc triển khai và thực hiện Luật ngân sách.

- Thưa ông, vấn đề chi thường xuyên lâu nay rất cao, vậy với quy định chặt chẽ của luật ngân sách thì làm thế nào để đảm bảo không bội chi mà vẫn kiểm soát được nợ công?

Đại biểu Phùng Quốc Hiển: Tôi cho rằng việc thực hiện Luật ngân sách lần này có khác so với trước đó là chúng ta phải xác định được một kế hoạch và trong kế hoạch đó thì phải có cân đối.

Thực tế là cân đối và bố trí bao nhiêu để cho đầu tư phát triển, bố trí bao nhiêu cho chi thường xuyên, tất cả những vấn đề đó hoàn toàn phải phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của đất nước và cần nhấn mạnh là không vì tăng trưởng kinh tế mà lại làm cho tình hình ngân sách khó khăn. Do vậy cơ cấu giữa đầu tư phát triển và chi thường xuyên phải cân đối.

- Nhưng nếu làm như cách này có thể làm thu ngân sách bị biến động không thưa ông?

Đại biểu Phùng Quốc Hiển: Đây hoàn toàn là dự toán, thậm chí kế hoạch đến một năm chúng ta vẫn gọi là dự toán tức là vấn đề đó chỉ mang tính dự báo để tính toán và kế hoạch có thể thay đổi, trong trường hợp thay đổi thì sẽ phải điều chỉnh với nguyên tắc là cân đối thu chi.

Bên cạnh đó, nếu thu không đảm bảo thì chi cũng phải giảm đi tương ứng, đây cũng là nguyên tắc, chứ không thể là thu không đảm bảo mà chi vẫn giữ nguyên được, nhưng chính vì thế mà phải tính quy hoạch cho sát để không có những biến động quá lớn.

Thực tế những gì chúng ta tính thì đó chỉ là mức tối thiểu, còn trong quá trình thực hiện nếu tăng thu được, quốc hội sẽ lấy nguồn đó để bù đắp thêm cho đầu tư cơ bản hoặc phải giảm được bội chi, tăng trả nợ lên.

- Vậy nhà nước có giải pháp gì để huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách không thưa ông?

Đại biểu Phùng Quốc Hiển: Đây là quan điểm rất lớn của nhà nước, phải nhớ rằng ngay trong vốn đầu tư, ngân sách chỉ đầu tư vào những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không tham gia được kể cả giao thông.

Nguồn ngân sách có hạn và không ôm đồm hết tất cả, thực tế vốn ngân sách chỉ mang tính chất là vốn mồi, như vậy mới có thể huy động được các nguồn lực của xã hội. Nếu như dư địa nào ngân sách cũng chiếm hết thì không còn dư địa cho các thành phần kinh tế khác tham gia được nữa.

Ngay cả quan điểm xã hội hóa chúng ta cũng phải thay đổi, ví dụ như ngày xưa lĩnh vực y tế hoàn toàn ngân sách nhà nước bao cấp, nhưng bây giờ phải đi theo hướng xã hội hóa cũng như theo hình thức bảo hiểm y tế toàn dân, lấy số đông người khỏe mạnh trợ giúp cho những người ốm đau, yếu thế.

Thậm chí đối với học phí cũng vậy, bậc tiểu học đang phổ cập thì nhà nước có thể thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hoặc vùng nông thôn, vùng cao được miễn học phí, nhưng càng lên cấp cao thì phải thực hiện đóng học phí, chính điều đó mới giúp giảm sức ép cho ngân sách nhà nước.

Còn đối với viện phí, nhà nước vẫn thực hiện hỗ trợ cho người nghèo và hộ cận nghèo để đóng bảo hiểm, nhưng việc hỗ trợ này không hỗ trợ mãi được và chỉ có thời hạn nhất định.

Trên thực tế, đã có nhiều hộ không muốn thoát nghèo vì họ nghĩ sẽ mãi mãi được hưởng các chính sách bao cấp của nhà nước, do vậy ngân sách chủ yếu tập trung vào đối tượng là người già, neo đơn để hỗ trợ vĩnh viễn, trong khi những người thanh niên khỏe mạnh cần có quan điểm khác đi, để tránh phụ thuộc vào ngân sách.

- Vậy việc phân cấp ngân sách trong luật mới có khắc phục được những tồn tại trong việc sử dụng vốn của nhà nước không thưa ông?

Đại biểu Phùng Quốc Hiển: Thực tế đã có sự phân cấp khá rõ ràng đối với ngân sách Trung ương và địa phương, đặc biệt các địa phương bây giờ cũng phải tự cân đối nguồn của mình và tự chịu trách nhiệm trước chi tiêu của mình bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương.

Thậm chí là cho phép địa phương được phép bội chi, nhưng bội chi đó phải đúng và được kiểm soát, ngay cả vốn vay ODA trước đây ta coi đó như một khoản cấp phát của ngân sách Trung ương cho địa phương và địa phương là người sử dụng ODA đó nhưng Trung ương lại là người đi trả nợ và đây là câu chuyện rất lạ.

Trước đây, chúng ta đã có tình trạng là địa phương thì quyết định quy mô đầu tư trong khi Trung ương thì lo nguồn vốn, nhưng bây giờ thì khác, nếu địa phương phải là người quyết định các dự án đó thì cũng phải tính đến hiệu quả và vay ở đâu thì phải tự trả nợ để làm sao có thể nâng cao được trách nhiệm của các địa phương.

Tôi xin nhấn mạnh, ngân sách Trung ương chỉ để giải quyết những vấn đề ở tầm quốc gia, giữ vai trò chủ đạo nhưng ngân sách địa phương cũng hết sức quan trọng và việc phân cấp lần này rất rõ.

Việc phân cấp cũng làm rõ phân cấp từ nguồn thu, nguồn chi, các khoản vay nợ, trả nợ cũng được phân định rõ ràng, rành mạch từ đó mới có thể xử lý được tình trạng làm ào ào, cứ làm đi rồi không biết được nguồn thu đâu như vậy sẽ không có hiệu quả.

Tất cả những câu chuyện đó phải được khắc phục và quy rõ trách nhiệm cá nhân trong các dự án đầu tư, khi đầu tư phải nghĩ đến hiệu quả và thu được, trả nợ được.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục