'Lùm xùm' cổ phần hóa Hãng phim: Nhà đầu tư chiến lược không hợp tác

Đại diện Vụ KH-TC của Bộ VHTT và DL cho biết nếu chủ đầu tư VIVASO đưa yêu cầu, phương án thu hồi vốn hợp lệ trước 31/12/2022 thì phương án dùng quỹ mua lại Hãng phim đã có thể được triển khai.
'Lùm xùm' cổ phần hóa Hãng phim: Nhà đầu tư chiến lược không hợp tác ảnh 1Bà Phan Linh Chi, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng ngày 24/3, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2023, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến vụ "lùm xùm" cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam) thời gian vừa qua.

Theo đó, do việc thực hiện cổ phần hóa không đúng theo trình tự quy định của Luật Đấu thầu cũng như quy định liên quan nên Thanh tra Chính phủ năm 2018 đã có kết luận về việc khẩn trương thu hồi cổ phần và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO)-nhà đầu tư chiến lược, đơn vị đã mua 65% cổ phần (32,5 tỷ đồng) của Hãng phim truyện Việt Nam rút vốn trước thời hạn.

"Tuy nhiên, việc thực hiện kết luận thanh tra này chưa thể thực hiện sau nhiều năm do sự thiếu hợp tác từ phía nhà đầu tư chiến lược VIVACO," bà Phan Linh Chinh, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết tại buổi họp báo.

"Đến thời điểm này, nhà đầu tư chiến lược - VIVASO - vẫn chưa đưa ra được tính toán hợp lý, hợp lệ và đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần," bà Linh Chi thông tin.

[Thủ tướng chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam]

Theo bà Linh Chi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các văn bản gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp kiến nghị phương thức xử lý và được phản hồi từ Bộ Tư pháp. Theo Bộ Tư Pháp vụ việc này cần sự thống nhất hai bên, "Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không thể đơn phương thực hiện vì đây là hợp đồng dân sự."

'Lùm xùm' cổ phần hóa Hãng phim: Nhà đầu tư chiến lược không hợp tác ảnh 2Một góc tại Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

"Cũng vì sự thiếu sự hợp tác của nhà đầu tư chiến lược VIVASO, nên các phương án đền bù về ngưng đóng bảo hiểm cho người lao động, tìm nhà đầu tư mới, mô hình hoạt động mới cho hãng chưa thể thực hiện... Cùng với đó, do điện ảnh là mảng đặc thù, lại thêm khó khăn khách quan về nhiều mặt sau COVID-19 nên chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý tiếp quản," bà Linh Chi giải thích thêm.

Trước đó, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã có phương án trích Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp để nhà nước mua lại số cổ phần của VIVASO tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Linh Chi, từ đầu năm 2022, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực không cho phép thực hiện phương án này nữa.

"Từ ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2021/NĐ-CP về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Nếu như chúng tôi có được con số cụ thể do nhà đầu tư chiến lược đưa ra trước thời hạn này để gửi Bộ Tài chính hướng dẫn, báo cáo Quốc hội để đưa vào dự toán hàng năm của Bộ Văn hóa... thì phương án đã có thể triển khai. Như vậy, chúng tôi đã có đầy đủ lộ trình thực hiện để đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lúc bấy giờ, nhưng mấu chốt là nhà đầu tư chiến lược chưa có đề xuất."

'Lùm xùm' cổ phần hóa Hãng phim: Nhà đầu tư chiến lược không hợp tác ảnh 3Cục phó Cục Điện ảnh Lý Phương Dung chia sẻ tại họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng lúc, việc định giá lại thương hiệu theo phương pháp mới, tính toán cả những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của điện ảnh... hiện chưa có cơ chế, luật pháp phù hợp thể thực hiện.

Thông tin thêm về gần 300 bộ phim được phản ánh là đã hư hại nặng tại kho của Hãng phim truyện Việt Nam, Cục phó Cục Điện ảnh - bà Lý Phương Dung cũng khẳng định đây đều là bản "copy" (bản sao) chứ không phải bản gốc.

Hiện nay, tất cả các bản gốc đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, thuộc quyền khai thác của đơn vị đặt hàng, chủ sở hữu là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

Năm 2015, Hãng phim truyện Việt Nam (bấy giờ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam) được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp của Nhà nước.

Năm 2016, Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp thuận để trở thành cổ đông chiến lược.

Năm 2017, việc mua bán được hoàn tất. Tuy nhiên, số tiền VIVASO bỏ ra để sở hữu 65% cổ phần được công bố chỉ là hơn 32 tỷ đồng, trong đó không định giá thương hiệu Hãng phim với hơn 60 năm lịch sử và tổng diện tích đất hãng được thuê (lên tới hơn 10.000m2), từ đó dấy lên nhiều nghi ngờ. Cũng từ đó, tại Hãng phim liên tục xảy ra mâu thuẫn giữa nhân viên hãng và VIVASO về cách thức quản trị và tình trạng không có phim để làm. Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi nhân viên Hãng phim truyện tố ban lãnh đạo vi phạm hợp đồng lao động vì đã đột ngột cắt lương và bảo hiểm đồng thời liên tục gửi đơn "cầu cứu" lên các cấp lãnh đạo.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc rà soát và đưa ra hàng loạt kết luận, trong đó có yêu cầu thu hồi số cổ phần đã bán cho VIVASO và xử lý triệt để các vấn đề tồn đọng tại Hãng phim truyện Việt Nam, song cũng cho biết hiện nay Nhà nước chưa đủ cơ sở pháp lý để thu hồi số cổ phần này.

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các công văn xin ý kiến các bộ, ngành xem xét, rà soát thực hiện chỉ đạo về thu hồi vốn, trong đó báo cáo về những khó khăn, vướng mắc về việc tìm nhà đầu tư mới, xác định giá trị doanh nghiệp, lý do chưa thể thoái vốn...

Đầu năm 2023, "lùm xùm" tại Hãng phim truyện một lần nữa được rấy lên khi nguyên Phó Giám đốc, đạo diễn Thanh Vân phát hiện gần 300 bộ phim trong kho đã hỏng, mốc nặng; Nghệ sỹ Nhân dân Trà Giang khóc trong lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đề nghị các nhà quản lý giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các ban bộ ngành phối hợp để báo cáo phương án giải quyết trước ngày 23/3.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục