Lý do con người thường tỉnh giấc trước khi bị chết trong giấc mơ

Các chuyên gia cho biết việc mọi người thường tỉnh giấc trước khi bị chết trong giấc mơ là phản ứng tự nhiên trước cơn ác mộng - một cách để tự bảo vệ bản thân khỏi cảm giác sợ hãi.

Con người có xu hướng choàng tỉnh trước khi chết trong giấc mơ của chính mình. (Nguồn: Getty Images)
Con người có xu hướng choàng tỉnh trước khi chết trong giấc mơ của chính mình. (Nguồn: Getty Images)

Cái chết là chủ đề thường thấy trong các giấc mơ. Kelly Bulkeley, nhà nghiên cứu giấc mơ, tác giả và người sáng lập Cơ sở dữ liệu Giấc ngủ và Giấc mơ, bao gồm hơn 40.000 mục nhập giấc mơ, cho biết việc bị chết trong giấc mơ do bị giết, tai nạn và các lý do tự nhiên khác là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Theo nhà nghiên cứu này, trong những năm gần đây, COVID-19 là một kịch bản nổi bật trong những giấc mơ về cái chết.

Nhiều người tỉnh dậy ngay trước khi bị bắn, bị đâm hoặc chết trong giấc mơ. Các chuyên gia cho biết đó là phản ứng tự nhiên trước cơn ác mộng - một cách để mọi người tự bảo vệ mình khỏi những tình huống khó chịu hoặc đáng lo ngại.

Deirdre Barrett, nhà tâm lý học nghiên cứu giấc mơ tại Trường Đại học Y Harvard cho biết: “Nỗi sợ hãi đã đánh thức họ.”

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người mơ về cái chết và trong một số trường hợp là cả kiếp sau của họ.

Đối với một số người, khoảnh khắc dẫn đến cái chết là điều đáng sợ nhất. Nhưng theo một nghiên cứu năm 1989 về giấc mơ về cái chết, những khoảnh khắc về cái chết và diễn biến sau đó có xu hướng ít đáng sợ hơn và trong một số trường hợp là tích cực - với một số người cho biết có cảm giác bình yên hoặc tự do.

Barrett cho biết khi mọi người chết trong giấc mơ mà không tỉnh dậy, điều đó “ít gây khó chịu hơn nhiều và ở mức độ cảm nhận, họ có thể thấy buồn hơn là sợ hãi,” điều này có thể giúp giải thích tại sao mọi người tiếp tục mơ.

Trong nghiên cứu của mình, nhà khoa học này cũng phát hiện rằng trong giấc mơ về kiếp sau, những người tham gia nghiên cứu mô tả việc linh hồn rời bỏ cơ thể của họ để có “trải nghiệm thế giới bên kia”, trở thành “người quan sát thụ động về phản ứng của những người xung quanh trước cái chết của họ,” điều này có thể “giống với những câu chuyện về trải nghiệm 'ngoài cơ thể' và 'cận kề cái chết.'"

Những lý do khiến mọi người mơ về cái chết rất phức tạp. Các chuyên gia cho biết con người vốn có bản chất sợ hãi cái chết và việc mơ về nó có thể giúp một số người điều chỉnh cảm giác về cái chết của chính mình.

giac mo 2.jpg
Trong giấc mơ, một số người còn cảm nhận được việc linh hồn rời bỏ cơ thể sau khi chết. (Nguồn: Snopes)

Tuy nhiên, những lần khác, giấc mơ về cái chết có thể không liên quan gì đến sự kết thúc của cuộc đời. Chúng có thể đại diện cho những kết thúc khác như công việc, mối quan hệ hoặc phản ánh sự khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ.

Nhà nghiên cứu Bulkeley nhận định: “Điều rất quan trọng trong việc khám phá những giấc mơ là tránh hiểu theo nghĩa đen. Một số người mơ về cái chết như sự chấm dứt thực sự của cuộc sống sinh học, nhưng trong những trường hợp khác, phần lớn các giấc mơ về cái chết mang tính biểu tượng hoặc ẩn dụ, ám chỉ các chủ đề về sự thay đổi, mất mát và đổi mới.”

Những điều bạn nên biết về giấc mơ

Trong một cuộc khảo sát với những người trưởng thành ở Anh, khoảng một nửa cho biết họ luôn hoặc thường xuyên nhớ giấc mơ của mình, trong đó phụ nữ có nhiều khả năng nhớ nội dung giấc mơ hơn nam giới.

Các chuyên gia cho biết những người trẻ tuổi có xu hướng nhớ lại giấc mơ thường xuyên hơn người lớn tuổi và những giấc mơ của họ thường đáng sợ hơn.

Jeffrey Sumber, nhà trị liệu tâm lý phân tích giấc mơ, cho biết không phải ai cũng nhớ được giấc mơ của mình và một số người trải qua những giai đoạn mà họ không thể nào nhớ được chúng.

Đối với những người muốn ghi nhớ giấc mơ của mình, ông khuyến nghị họ nên để một cuốn nhật ký bên cạnh giường ngủ.

Khi thức dậy, hãy ghi lại ngày, giờ và giả sử bạn không nhớ bất kỳ chi tiết nào trong giấc mơ của mình, hãy viết “không có giấc mơ nào để ghi lại.”

Trong vòng vài tuần, bạn có thể bắt đầu nhớ những nội dung rời rạc trong giấc mơ. Cuối cùng, mục tiêu là ghi nhớ những giấc mơ trọn vẹn của bạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục