Malaysia nghiên cứu tiêm 2 vaccine COVID-19 trên cùng một người

Giám đốc Viện Nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng (ICR) thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ P. Kalairasu đã nêu đề xuất áp dụng phương pháp tiêm 2 loại vaccine trên cùng 1 người.
Malaysia nghiên cứu tiêm 2 vaccine COVID-19 trên cùng một người ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Malaysia Khairy Jamaluddin, có nhiều thông tin nói rằng nhiều nước cho tiêm trộn vaccine phòng COVID-19. Theo đó, liều 1 sử dụng vaccine AstraZeneca và liều 2 sử dụng vaccine Pfizer để nâng cao hiệu quả của vaccine. Malaysia đang theo dõi chặt chẽ phương pháp này.

Phát biểu ngày 17/6 tại một cuộc hội thảo trực tuyến do Mạng lưới cựu sinh viên Oxford và Cambridge tại Malaysia, ông Khairy cho biết trong cuộc họp của Ủy ban Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) vào tuần trước, Giám đốc Viện Nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng (ICR) thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ P. Kalairasu đã nêu đề xuất áp dụng phương pháp tiêm 2 loại vaccine trên cùng 1 người.

Hiện nay, Malaysia đã có dữ liệu về tiêm trộn vaccine ở Đức. Kết quả cho thấy tiêm trộn vaccine có thể tăng kháng thể và hiệu quả hơn đối với biến chủng virus.

[Dịch COVID-19: Thủ đô Moskva, Nga yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc]

Tuy nhiên, theo ông Khairy, Malaysia cần thu thập thêm dữ liệu, đang theo dõi chặt chẽ phương pháp này vì không muốn đưa ra quyết định quá nhanh trước khi có thêm nhiều dữ liệu liên quan. Nếu Ủy ban Công tác kĩ thuật về việc tuyển chọn vaccine (TWG) có quyết sách rõ ràng sẽ kiến nghị Ủy ban Đặc biệt về cung cấp vaccine ngừa COVID-19 (JKJAV) và sau đó sẽ thực hiện việc tiêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 trên cùng 1 người. Dẫu vậy, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung vaccine, ông Khairy cho rằng phương pháp này cũng khả thi.

Trước kêu gọi rút ngắn thời gian tiêm vaccine AstraZeneca giữa liều thứ nhất và liều thứ 2, ông Khairy cho biết Malaysia đang đối mặt với vấn đề cung cấp vaccine. Một phần vaccine AstraZeneca có được từ chương trình COVAX (sáng kiến cho phép toàn cầu tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19) bị trì hoãn, nguồn cung vaccine AstraZeneca từ Thái Lan dự kiến cũng bị trì hoãn.

Vì vậy, Malaysia phải tính toán lại lịch trình tiêm, xem có thể rút ngắn thời gian tiêm vaccine AstraZeneca giữa liều thứ nhất và liều thứ 2 hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục