Theo CNBC, Mỹ có thể tăng cường sức mạnh quân sự trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới một loạt vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng trong tuần qua, cùng với những đồn đoán về khả năng nươc này đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu.
Ông Matthew Bunn, chuyên gia về vấn đề làm giàu hạt nhân tại Trường John F.Kennedy thuộc Đại học Harvard, cho rằng: “Luôn khó dự đoán trước hành động của Triều Tiên. Tuy nhiên, họ đang đề cập đến khả năng tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân, bao gồm cả thử bom hydro."
Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa là một trong những lý do Triều Tiên muốn tiếp tục thử vũ khí hạt nhân. Có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành vụ thử vào ngày độc lập 9/9.
Ông Nicholas Eberstadt, học giả tại Viện Kinh doanh Mỹ (AEI) đồng thời là một chuyên gia về Triều Tiên, nhận xét: “Chính quyền Triều Tiên trong quá khứ đã có ý định tiến hành thử tên lửa và hạt nhân vào các ngày có ý nghĩa lịch sử với nước này, hoặc để chế nhạo Mỹ như cách họ làm trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 hoặc trong dịp nghỉ lễ của Hàn Quốc."
[Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc nhất trí lập trường đối với Triều Tiên]
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo trong ngày 30/8 tại Lầu Năm Góc.
Truyền thông Hàn Quốc cho rằng hai bên sẽ thảo luận về đề xuất của Seoul tăng gấp đôi hỏa lực tên lửa đạn đạo của nước này để đối phó với mối đe dọa gia tăng từ quốc gia láng giềng sở hữu hạt nhân.
Trong khi đó, tờ Korea Times dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho rằng Mỹ đang cân nhắc điều thêm các khí tài quân sự tới Bán đảo Triều Tiên, bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay ném bom B-1B và B-52, và các tàu chiến, như tàu khu trục và tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Hiện thủy quân lục chiến Mỹ sở hữu các phiên bản khác nhau của máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tại Nhật Bản và trước đó đã điều 8 máy bay tới Hàn Quốc để tham gia tập trận. Các máy bay ném bom B-1B gần nhất đang được bố trí tại căn cứ không quân Andersen ở Guam.
Chuyên gia David Wright, nhà khoa học cấp cao và đồng Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu thuộc Hiệp hội các nhà khoa học liên quan của Mỹ, nhận định tên lửa mà Triều Tiên sử dụng trong vụ thử ngày 29/8 có thể là Hwasong-12, tương tự như tên lửa được phóng ngày 14/5.
Theo ông, tầm bắn của tên lửa khoảng 4.800km song thực tế chỉ đạt khoảng 1.700km nên chứng tỏ Bình Nhưỡng đã tăng trọng tải nhiều hơn so với vụ thử trước. Theo ông Wright, một lý do khác mà tên lửa bay với tầm bắn ngắn hơn là vì Triều Tiên cố ý giảm tầm bắn hoặc “trục trặc kỹ thuật."
Còn chuyên gia nghiên cứu Joel Wit đến từ Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins nhận xét: “Triều Tiên không thích các cuộc tập trận quy mô lớn đang diễn ra. Sẽ thật lố bịch khi cho rằng họ sẽ hoàn toàn im lặng trong khi các cuộc tập trận đang diễn ra."
Ông Wit cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa và thậm chí là hạt nhân là cách để nước này trút giận.
Trong khi đó, theo Reuters, ngày 30/8, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức ép với Triều Tiên để chấm dứt các vụ thử tên lửa, đồng thời khẳng định vai trò chủ chốt của Bắc Kinh trong các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Trên đường tới Nhật Bản để gặp mặt Thủ tướng Shinzo Abe, bà May phát biểu với các phóng viên: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ chấm dứt các hành động này. Chúng tôi nhận thấy cách tốt nhất để làm được điều đó là Trung Quốc gây thêm áp lực với Triều Tiên."
Hôm 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương./.