Mỹ: Nhiều bang chưa quyết định tham gia vụ dàn xếp bê bối thuốc Opioid

Vào 21/8, các bang phải quyết định có hay không tham gia vụ dàn xếp, bê bối thuốc giảm đau opioid giữa nhà sản xuất Johnson & Johnson và 3 nhà phân phối McKesson, Cardinal Health, Amerisource Bergen
Mỹ: Nhiều bang chưa quyết định tham gia vụ dàn xếp bê bối thuốc Opioid ảnh 1Thuốc giảm đau opioid trong một đơn thuốc tại Washington DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều bang ở Mỹ đang cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hay không tham gia vụ dàn xếp bê bối thuốc giảm đau opioid với ba nhà phân phối dược phẩm và nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson (J&J).

Các Tổng chưởng lý của 14 bang đã công bố đề xuất dàn xếp với J&J và ba nhà phân phối dược phẩm gồm McKesson, Cardinal Health và Amerisource Bergen vào ngày 21/7 vừa qua, “kích hoạt” một tiến trình kéo trong một tháng để các bang và thành phố đăng ký tham gia thỏa thuận dàn xếp này.

Vào ngày 21/8, các bang phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hay không tham gia vụ dàn xếp, trong đó đề xuất ba nhà phân phối thuốc nói trên chi 21 tỷ USD, còn J&J chi 5 tỷ USD để hỗ trợ cho việc điều trị và các dịch vụ khác.

Theo đề xuất ban đầu, vụ dàn xếp phức tạp này đòi hỏi ít nhất 44 bang tham gia, nhưng sau đó, các công ty trên quyết định chờ xem liệu có đông đảo các bang chấp thuận tham gia dàn xếp hay không và liệu có thể thống nhất được thỏa thuận sau cùng hay không.

[Bốn 'ông lớn dược phẩm' Mỹ chi 26 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện về opioid]

Hồi tháng trước, Tổng chưởng lý bang North Carolina, Josh Stein, trưởng nhóm đàm phán, cho biết ông dự kiến có khoảng 40 bang tham gia.

Tuy nhiên, một số bang hiện phản đối thỏa thuận dàn xếp, trong đó có thủ đô Washington, bang New Mexico và các cộng đồng ở Tây Virginia.

Các bang Michigan, South Carolina và Nevada cho biết họ vẫn đang đánh giá về thỏa thuận này. Trong khi đó, bang Ohio nhiều khả năng sẽ tiến hành dành xếp riêng rẽ thỏa thuận trị giá khoảng 808 triệu USD.

Tại New Hampshire - nơi chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng opioid, Tổng chưởng lý James Boffetti cho biết bang này có khả năng không tham gia dàn xếp với J&J vì giá trị thỏa thuận đề xuất “quá nhỏ so với thiệt hại mà họ đã gây ra ở New Hampshire và những nơi khác."

Cho đến nay, các tòa án Mỹ đã nhận được hơn 3.000 đơn kiện liên quan tới cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid.

Mới đây, các công ty phân phối dược phẩm AmerisourceBergen, Cardinal Health và McKesson đã đồng ý trả khoản tiền lên tới 1,18 tỷ USD để giải quyết các khiếu nại của bang New York về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid tại bang này.

Các loại thuốc giảm đau nhóm opioid, bao gồm cả thuốc do bác sỹ kê đơn và những loại thuốc được sản xuất bất hợp pháp như heroin và fentanyl, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn 500.000 ca tử vong ở Mỹ kể từ năm 2000.

Loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh nhưng dễ gây nghiện và những tác dụng phụ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục