Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác: Những kiến giải mới mẻ và thú vị

Cuốn sách không chỉ mang đến nhiều góc nhìn và kiến giải mới cho những nội dung, kiến thức mỹ thuật tưởng chừng đã yên vị, mà còn khơi gợi cả những chi tiết ít ai nhắc đến hoặc để ý trước đây.
Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác: Những kiến giải mới mẻ và thú vị ảnh 1Cuốn sách ''Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác.'' (Ảnh: Đỗ Kim Cơ)

"Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác” là tên tác phẩm của nhà nghiên cứu, Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế - một nghệ sỹ thị giác kiêm giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đúng như tên gọi, tác phẩm mang tới những diễn giải mới mẻ về mỹ thuật Việt cổ, khơi gợi nhiều chi tiết ít được được bàn tới trước đây.

Cuốn sách là tập hợp 25 bài chuyên khảo về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, soi chiếu từ nhiều nguồn tư liệu đa dạng. Lời giới thiệu từ Nhà xuất bản Mỹ thuật cho rằng nếu như những “Mỹ thuật của người Việt” (Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng), “Lược sử mỹ thuật Việt Nam” (Nguyễn Phi Hoanh)... đều là những tác phẩm công phu và được viết theo lối biên niên sử, thì những tác phẩm nghiên cứu của tác giả Trần Hậu Yên Thế lại có lối tiếp cận, chọn mẫu nghiên cứu không hề giống các nhà nghiên cứu trước đó.

“Tác giả như đứa trẻ không chỉ mải mê ngắm cánh cửa đồ sộ là lại ham thích, ngắm nghía cái bản lề, cái then cài, những chi tiết tưởng nhỏ nhặt, để suy nghĩ về cơ chế đóng cửa chiếc cổng ấy,” lời giới thiệu viết.

Kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Trương Quý - vốn cũng là một người nghiên cứu về mỹ thuật Việt, nhận xét cuốn sách đã “mở rộng những cách thức đặt câu hỏi, thử chất vấn cái đã tưởng như xong rồi, yên vị rồi.”

Cụ thể, cuốn sách đã đi từ những phát hiện, thắc mắc tưởng chừng rất nhỏ như đôi mắt, bộ râu và hoa văn trên trang phục của hình tượng người đàn ông cầm đèn Lạch Trường, về gốc gác của người Hồ (Trung Á) - những người Khương Cư từ hai thiên niên kỷ trước…, từ đó đi tìm những sự kết nối về hình tượng mỹ thuật trong đời sống người Việt cổ.

[Sự khác biệt giữa văn hóa Đông-Tây qua ngôn ngữ đồ họa]

Bên cạnh đó, những hình tượng, chi tiết mỹ thuật mà ít ai quan tâm hay để ý cũng được kiến giải trong cuốn sách. Đó là những chiếc nanh mọc ngược trong đồ án hình rồng thời Lý, Trần thể hiện sự tương đồng với văn hóa Ấn, hay những con vật như trên mặt trống đồng nói lên điều gì về sự phân bố khu vực sinh sống của người cổ tại các vùng đất Bắc Bộ xưa…

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả gửi gắm thông điệp chúng ta không nên đi tìm cái duy nhất, cái thuần Việt, bởi chất Việt của chúng ta thực chất là kết quả của sự giao thoa và tiếp biến của nhiều nền văn hóa.

Với những nội dung như vậy, cuốn sách được đánh giá là phù hợp để dùng làm tài liệu nhập môn, bổ trợ cho các ngành nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật. Đây cũng được coi là một đầu sách giúp đưa đến những góc nhìn, quan điểm mới mẻ cho người trẻ trong thời kỳ hiện đại với nhiều biến đổi, cần có những góc nhìn cởi mở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục