Nam Phi bác bỏ phán quyết của ICC về việc bắt Tổng thống Sudan

Nam Phi đã lên tiếng bác bỏ phán quyết rằng nước này đã không tuân thủ quy chế thành viên và lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, khi ông này tham dự Hội nghị AU.
Nam Phi bác bỏ phán quyết của ICC về việc bắt Tổng thống Sudan ảnh 1Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (phải) tại một sự kiện ở Khartoum ngày 31/12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/7, Quốc hội Nam Phi đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) rằng nước này đã không tuân thủ quy chế thành viên và lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, khi ông này tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 25 tại thành phố Johannesburg hồi tháng trước.

Trước đó cùng ngày, ICC đã đưa ra phán quyết rằng việc Nam Phi từ chối bắt giữ ông Bashir là không tuân thủ yêu cầu của ICC về bắt giữ nhân vật này và trái ngược với Quy chế Rome của ICC do không tạo điều kiện để truy tố Tổng thống Sudan về các tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống loài người… đã xảy ra ở khu vực xung đột Darfur của quốc gia Đông Phi này.

[ICC phán quyết Nam Phi không tuân thủ quy chế của tòa]

Theo Chủ tịch Ủy ban Quan hệ và Hợp tác quốc tế của Quốc hội Nam Phi Siphosezwe Masango, Tổng thống Bashir đã đến Nam Phi không theo lời mời của chính phủ nước này mà là để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của AU, do vậy ông được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao như những người đứng đầu nhà nước khác.

Ông Masango nêu rõ Nam Phi phải được đối xử như Liên hợp quốc, nơi các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tham gia các cuộc họp quan trọng tại trụ sở của tổ chức này ở Mỹ. Đặc biệt, Nam Phi cho rằng ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình với ICC, nước này còn có nghĩa vụ đối với AU, theo đó không có quốc gia, tổ chức nào có thể bắt giữ người đứng đầu nhà nước của các nước thành viên của AU.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Nam Phi thông báo đã bắt đầu quá trình xin rút khỏi ICC, tuy nhiên sau đó, chính phủ quốc gia châu Phi này đã phải rút lại ý định trên sau khi Tòa án Hiến pháp Nam Phi phán quyết rằng quyết định của chính phủ về việc rút khỏi ICC là "vi hiến và vô hiệu” nếu không được Quốc hội thông qua.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nam Phi đã lên kế hoạch trình vấn đề trên lên Quốc hội trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục