Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 12/5, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir thông báo hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào năm 2015, do các phe phái đối đầu tại nước này cần thời gian để hòa giải. Như vậy, cuộc bầu cử mới sẽ được tiến hành vào năm 2017 hoặc năm 2018.
Trước đó, ngày 9/5, Tổng thống Kiir và thủ lĩnh phiến quân Riek Machar, vốn là cựu Phó Tổng thống bị ông Kirr cách chức hồi tháng 7/2013, đã ký một thỏa thuận ngừng bắn tại Ethiopia và tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán về thành lập một chính phủ lâm thời nhằm chấm dứt 5 tháng đổ máu.
Tuy nhiên, kế hoạch này khởi đầu không suôn sẻ khi cả hai bên nhanh chóng cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng cuộc xung đột hiện nay ở Nam Sudan là "tai họa hoàn toàn do con người gây ra" và kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh.
Tổng thư ký đưa ra bình luận trên sau khi được nghe Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) thông báo về tình hình của quốc gia non trẻ nhất thế giới này trước Hội đồng Bảo an.
Theo UNMISS, giao tranh giữa Quân Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) và các lực lượng đối lập ở bang Thượng Nile cuối tuần trước đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vừa ký tại Ethiopia.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh người dân cần được trở lại mảnh đất của mình trong hòa bình, nếu không nạn đói và suy dinh dưỡng sẽ lan rộng. Tổng thư ký cũng kêu gọi tất cả các bên thể hiện kiềm chế, thực hiện đầy đủ các cam kết và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo.
Cũng trong phát biểu tại Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã nêu khả năng thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng tồi tệ ở Nam Sudan.
Tổng thư ký trích báo cáo của UNMISS cho biết "có bằng chứng thuyết phục về các tội ác chống lại loài người." Vì vậy, Tổng thư ký cho rằng cần một tòa án đặc biệt với sự can dự của quốc tế để xem xét vấn đề.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong vòng hơn 5 tháng giao tranh, hàng nghìn người Nam Sudan đã thiệt mạng, hơn một triệu người phải rời bỏ chỗ ở và gần 5 triệu người đang cần hỗ trợ khẩn cấp.
Tổng thư ký cũng cho biết thêm Liên hợp quốc đang thiếu 781 triệu USD trong tổng số 1,27 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo trong năm nay.
Tổng thư ký kêu gọi tất cả các nước tài trợ tham gia Hội thảo các nhà tại trợ cho Nam Sudan ngày 20/5 tới do Na Uy và Liên hợp quốc phối hợp tổ chức./.