Ngày 1/12, hội nghị Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã ra tuyên bố khẳng định các đồng minh NATO đoàn kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ biên giới phía Nam, bao gồm cả mối đe dọa khủng bố.
Tuyên bố cho biết NATO từ lâu đã thiết lập các kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ và các kế hoạch này được xem xét đều đặn. Căn cứ vào tình hình bất ổn chung trong khu vực, NATO triển khai tăng cường kế hoạch này. Trên cơ sở quyết định hồi tháng 12/2012, NATO tăng cường bảo vệ không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục áp dụng những biện pháp bổ sung.
Hồi tháng 10 vừa qua, tại hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng, NATO cũng đã xem xét vấn đề này và yêu cầu các biện pháp mới phải được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố khẳng định NATO tiếp tục theo dõi sát diễn biến tại biên giới Đông Nam của khối, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Syria hiện nay và chỉ có giải pháp chính trị thực tế mới chấm dứt được xung đột ở Syria, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực quốc tế hiện nay để giải quyết vấn đề này.
Cuối cùng, tuyên bố tái khẳng định việc NATO ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên trong khối và kêu gọi sự bình tĩnh, giải pháp ngoại giao và xuống thang cũng như các biện pháp giảm nguy cơ xung đột.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc ngày họp đầu tiên hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Tổng Thư ký tổ chức này, ông Jens Stoltenbergs cho biết NATO và các đối tác cam kết sẽ duy trì trong năm 2016 một lực lượng tại Afghanistan tương đương với mức hiện nay là 12.000 quân để đảm nhiệm việc đào tạo cho lực lượng an ninh của Afghanistan.
Theo quan chức NATO, sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” nhằm huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ chủ yếu cho lực lượng an ninh Afghanistan và các cơ quan an ninh cũng như quốc phòng của quốc gia này. Tổng Thư ký NATO khẳng định việc duy trì sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” tại các khu vực của Afghanistan trong năm 2016 để ngăn chặn việc quốc gia này trở thành “nơi trú ẩn của khủng bố quốc tế”. Đây cũng là mục đích chính của NATO.
Trong một tuyên bố chung, các Ngoại trưởng NATO nhấn mạnh sứ mệnh tại Aghanistan sẽ tiếp tục được xem xét và điều chỉnh nếu cần thiết, mục đích nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Lực lượng NATO được triển khai tại Afghanistan từ năm 2003 với sứ mệnh ban đầu là chiến đấu, trong khuôn khổ Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF). Nhưng từ đầu năm nay, sứ mệnh này tập trung vào việc đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan. NATO dự kiến sau cuối năm 2016 sẽ chuyển sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” thành sự có mặt của lực lượng “dân sự-quân sự” với quy mô hạn chế sau khi sứ mệnh đào tạo kết thúc.
Trước đó, khoảng 20 quốc gia thành viên NATO cam kết sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại miền Bắc Afghanistan trong năm 2016 bên cạnh quân đội Đức. Cam kết này được đưa ra tại hội nghị ở Berlin (Đức) nhằm tăng cường sự đóng góp của 21 quốc gia vào khu vực này bên cạnh Đức hiện đang đảm nhiệm việc chỉ huy khu vực trong sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” ở Mazar-i-Sharif, một thành phố lớn ở phía Bắc Afghanistan./.