Khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khoảng hoảng tại Syria, Nga đã lên tiếng hối thúc Liên hợp quốc nhanh chóng chỉ định đặc phái viên mới thay thế Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi vừa từ chức.
Phát biểu trước báo giới ngày 3/6, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng Sáu này, khẳng định Moskva mong muốn một giải pháp chính trị cho Syria và sẽ "thật sai lầm" nếu Liên hợp quốc không sớm bổ nhiệm một đặc phái viên mới kế nhiệm ông Brahimi.
Theo Đại sứ Churkin, hai vòng đàm phán giữa Chính phủ Syria và phe đối lập thất bại không có nghĩa các bên từ bỏ các nỗ lực đối thoại tiếp theo. Ông bày tỏ hy vọng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm người kế nhiệm ông Brahimi, thúc đẩy các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.
Trước đó, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và AL về Syria Brahimi đã rút khỏi vị trí này vào ngày 31/5 vừa qua sau hai năm đảm nhiệm một trong những sứ mệnh khó khăn nhất gắn với cuộc nội chiến kéo dài ba năm qua tại Syria.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng những nỗ lực của ông Brahimi đã không nhận được sự hỗ trợ từ Hội đồng Bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm giữ gìn hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc, cũng như từ các quốc gia có ảnh hưởng đối với tình hình Syria.
Nga đưa ra lời kêu gọi trên cùng thời điểm Syria tiến hành cuộc bầu cử tổng thống bất chấp sự chỉ trích và tẩy chay của phe đối lập và nhiều nước phương Tây.
Tuyên bố ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Mỹ coi sự kiện này là "xa rời thực tế" do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành trong bối cảnh nội chiến tiếp diễn.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Nhà Trắng đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, cho rằng Washington cần tăng cường hỗ trợ vũ trang cho phe đối lập sớm hơn.
Ông Ford nhấn mạnh chính sự chậm trễ này của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã khiến Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa về các phần tử cực đoan ngày càng gia tăng./.