Nga và Trung Quốc: Đối tác hay đối thủ trong cuộc đua vắcxin?

Sự hòa hợp không che giấu giữa Nga và Trung Quốc dễ khiến người ta có ấn tượng sai lầm về cuộc cạnh tranh thị trường vắcxin ở các khu vực mà Nga có truyền thống ảnh hưởng tại Trung Á và Mông Cổ.
Nga và Trung Quốc: Đối tác hay đối thủ trong cuộc đua vắcxin? ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng thediplomat đưa tin đối với Trung Quốc, quốc gia đã sản xuất đại trà hai loại vắcxin phòng COVID-19 (Sinopharm và Sinovac), việc hỗ trợ vắcxin cho nhiều quốc gia khác là một phần then chốt trong chiến dịch tái định hình quan điểm của dư luận về đại dịch toàn cầu.

Giới chức Trung Quốc muốn đất nước của mình được nhớ đến với chiến dịch ngoại giao y tế và công trình nghiên cứu-sản xuất thành công vắcxin, chứ không phải vai trò làm xuất hiện và bùng phát dịch bệnh.

Trong Sách Trắng về COVID-19, công bố hồi tháng 6/2020, chính phủ Trung Quốc vạch rõ mục tiêu phát triển “hệ thống y tế công toàn cầu phục vụ toàn nhân loại," một mục tiêu dựa trên quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã hoan nghênh từ lâu và coi là mục tiêu tổng thể về quản trị toàn cầu của quốc gia này.

Nga cũng có mục tiêu tương đồng trong chính sách ngoại giao vắcxin. Gọi loại vắcxin tự sản xuất đầu tiên là Sputnik V - đặt theo tên của vệ tinh được phóng vào tháng 10/1957 từng khiến thế giới phải thay đổi cái nhìn về sức mạnh quân sự và không gian của Nga - giới chức Kremlin coi đó là công cụ để củng cố quyền lực mềm ở bên ngoài và nâng cao vị thế cho nền khoa học nước nhà.

[Nga khẳng định vắcxin của nước này hiệu quả với biến thể SARS-CoV-2]

Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược và đang hợp tác sản xuất vắcxin.

Nga đang tiến hành thử nghiệm vắcxin CanSino và Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu sản xuất Sputnik V của Nga vào cuối tháng Hai này, sau những gì mà Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov miêu tả là các cuộc đàm phán "rất khó khăn" về một loạt vấn đề phức tạp, trong đó có bản quyền trí tuệ, yếu tố từ lâu vẫn gây bất mãn và cản trở mối quan hệ quân sự Trung-Nga.

Nếu được giải quyết, hợp tác trong lĩnh vực vắcxin sẽ thúc đẩy các nỗ lực cấp cao đang diễn ra giữa Nga và Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác công nghệ song phương trong năm 2021.

Ngoài việc hợp tác sản xuất vắcxin, cuộc chiến chống COVID-19 của Nga và Trung Quốc còn có những điểm khá tương đồng, chẳng hạn như hai nước bị cáo buộc là thông tin về số ca nhiễm COVID-19 thấp hơn so với thực tế.

Trang mạng độc lập Meduza đưa tin Rosstat, cơ quan thống kê Nga, đã công bố một số số liệu về tỷ lệ tử vong của người Nga năm 2020, cho thấy Nga đứng thứ hai sau Mỹ về số ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục tìm kiếm dữ liệu từ Trung Quốc về đại dịch, còn Mỹ và các quốc gia khác liên tục kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ nhiều dữ liệu hơn về virus SARS-CoV-2.

Đối với Nga và Trung Quốc, sự lúng túng của Mỹ trong việc xử lý dịch COVID-19 và thách thức mà các nước châu Âu phải đối mặt là cơ hội để hai nước này thúc đẩy các thành quả về vắcxin và sự ưu việt trong phản ứng của chính quyền độc tài trước dịch bệnh, đồng thời cũng là cách để phân tán sự chú ý khỏi những vấn đề trong nước.

Sự hòa hợp không che giấu giữa Nga và Trung Quốc dễ khiến người ta có ấn tượng sai lầm về cuộc cạnh tranh thị trường vắcxin ở các khu vực mà Nga có truyền thống ảnh hưởng tại Trung Á và Mông Cổ.

Thực tế là nhìn vào hoạt động phân phối vắcxin của Nga và Trung Quốc, bất chấp chính sách ngoại giao y tế Con đường Tơ lụa và nỗ lực mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc ở khu vực Âu-Á, Sputnik V là loại vắcxin được đón nhận nhiệt tình hơn, trong khi vắcxin của Ấn Độ đứng thứ hai trong cuộc đua này.

Kazakhstan, Mông Cổ cũng như Turkmenistan (dù tuyên bố không có bất kỳ trường hợp nhiễm COVID-19 nào) đều đã phê duyệt vắcxin của Nga.

Các quan chức Mông Cổ từ chối lời đề nghị cung cấp vắcxin từ Trung Quốc nhưng lại chấp nhận lời đề nghị của Ấn Độ về liều tiêm vắcxin AstraZeneca được sản xuất tại địa phương.

Kazakhstan, quốc gia đầu tiên sản xuất Sputnik V trong nước, cũng quan tâm đến việc tiếp cận với vắcxin của Ấn Độ.

Chỉ có Uzbekistan, quốc gia từ lâu vẫn tìm cách duy trì sự cân bằng và linh hoạt trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, đã phê duyệt Sputnik V và thử nghiệm 2 loại vắcxin của Trung Quốc (do Sinopharm và Công ty Dược Sinh học An Huy Zhifei Longcom).

Dù vấp phải nhiều chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội về nguy cơ làm “chuột bạch” cho Trung Quốc, Uzbekistan lại nhận thấy cơ hội để sản xuất vắcxin này tại địa phương.

Uzbekistan cũng đang đàm phán với công ty Vektor của Nga về việc phát triển vắcxin EpiVacCorona.

Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đủ điều kiện được hưởng tài trợ từ sáng kiến COVAX của WHO, sáng kiến nhằm cung cấp khả năng tiếp cận vắcxin cho các nước đang phát triển.

Trung Quốc dự kiến đóng góp 10 triệu liều tiêm cho sáng kiến này. Kyrgyzstan dự kiến sẽ tiếp cận vắcxin do Oxford-AstraZeneca phát triển và có thể là cả một số vắcxin khác của châu Âu và Hoa Kỳ thông qua COVAX.

Tajikistan cũng sẽ nhận được vắcxin AstraZeneca thông qua COVAX, dù đang thảo luận về việc nhận nguồn cung cấp Sputnik V từ Nga.

Một nghiên cứu của bộ phận dự báo thuộc Tạp chí The Economist dự đoán rằng chương trình COVAX khó có thể đáp ứng nhu cầu tại nhiều nước đang phát triển, chủ yếu là các quốc gia Trung Á, cho đến cuối năm 2023, khiến các lựa chọn thay thế kể trên trở nên hấp dẫn hơn với khu vực này.

Đại dịch nhanh chóng kết thúc hay không phụ thuộc vào khả năng tiếp cận vắcxin trên toàn cầu. Dù WHO cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn, việc triển khai vắcxin vẫn chưa suôn sẻ và thậm chí còn nêu bật nhiều vấn đề địa chính trị tồn đọng.

Dù mối quan tâm chính vẫn là cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, chủ nghĩa dân tộc vắcxin không chỉ là cuộc chạy đua vắcxin và tiêm chủng giữa một bên là Mỹ và châu Âu với bên kia là Trung Quốc và Nga.

Các chế phẩm vắcxin của Trung Quốc và Nga cũng đang trực tiếp cạnh tranh với nhau, đặc biệt là ở các không gian hậu Xôviết và vùng Balkan. Belarus chấp nhận Sputnik V nhưng không ngạc nhiên khi Ukraine lại chọn Sinovac.

Nga và Trung Quốc: Đối tác hay đối thủ trong cuộc đua vắcxin? ảnh 2Vaccine Sputinik V ngừa COVID-19 của Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những quốc gia khác, như Gruzia, đặt niềm tin vào phương Tây trong khi các nước nghèo hơn như Moldova lại tìm đến COVAX. Sự chậm trễ trong việc cung cấp vắcxin của EU cho vùng Balkan đã dẫn đến sự cạnh tranh Trung-Nga nhằm giành thị phần.

Trong cuộc cạnh tranh về cung cấp vắcxin cho các đối tác nước ngoài, Nga và Trung Quốc có nguy cơ tự xói mòn “thông điệp chung” về nguồn gốc của đại dịch.

Trung Quốc đang tìm cách đổ lỗi cho sự lây lan COVID-19 ở trong nước từ nguồn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, kể cả từ Nga, thực tế có nguy cơ làm tê liệt hoạt động xuất khẩu của quốc gia này.

Khoảng 60% nguồn cá của Nga, chủ yếu từ vùng Viễn Đông, được xuất khẩu sang Trung Quốc, quốc gia đã từ chối nhập khẩu kể từ khi người ta phát hiện dấu vết COVID-19 trên sản phẩm đông lạnh tại vùng Cát Lâm hồi tháng 9/2020.

Đối mặt với khoản lỗ hơn 3 tỷ USD, các nhà xuất khẩu cá của Nga phải tìm kiếm các thị trường khác ở Đông Nam Á và thậm chí là ở châu Phi, trong khi các quan chức cố gắng đàm phán để chấm dứt lệnh cấm của Trung Quốc./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục