Nghệ sỹ 'xếp hàng' chờ danh hiệu: 'Cây đa' cũng héo mòn

“Tôi đã đi từ sự hào hứng, hy vọng đến nỗi hụt hẫng, thất vọng, thậm chí cảm thấy cay đắng,” nghệ sỹ Minh Vương tâm sự khi lần thứ ba liên tiếp ‘trượt’ danh hiệu nghệ sỹ nhân dân.
Nghệ sỹ 'xếp hàng' chờ danh hiệu: 'Cây đa' cũng héo mòn ảnh 1Nghệ sỹ Minh Vương (phải) là một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương. (Ảnh: TTXVN)

“Tôi đã đi từ sự hào hứng, hy vọng đến nỗi hụt hẫng, thất vọng, thậm chí cảm thấy cay đắng,” nghệ sỹ Minh Vương tâm sự khi lần thứ ba liên tiếp ‘trượt’ danh hiệu nghệ sỹ nhân dân.

Cũng giống như nghệ sỹ đã đeo đẳng với sân khấu cải lương hơn nửa thế kỷ ấy, không ít người trong cuộc chia sẻ rằng, sau đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần thứ chín (năm 2018), với họ, câu chuyện danh hiệu sẽ trở thành dĩ vãng.

Nỗi buồn danh hiệu

“Tôi cảm thấy thật bất công và chua chát! Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, đào tạo và chứng kiến sự thành danh của bao lớp học trò, được khán giả yêu mến, đón nhận. Thế nhưng, khi đã là những ông lão ở tuổi 70, chúng tôi lại phải làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, rồi lại hồi hộp ngồi chờ xem hội đồng có duyệt hồ sơ của mình không. Sau lần này, tôi sẽ không bao giờ làm hồ sơ nữa,” nghệ sỹ Thanh Tuấn bày tỏ.

Việc những nghệ sỹ gạo cội (Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu) không có tên trong danh sách một lần nữa cho thấy những bất cập hiện nay liên quan đến việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ.

“Danh hiệu là để vinh danh những đóng góp của người làm nghệ thuật. Khi xét tặng danh hiệu, hãy nhìn vào những cống hiến thực tế của nghệ sỹ trong cả một quá trình, đừng chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ hành chính, đếm lượng huy chương và căn cứ trên tỷ lệ phiếu bình chọn của những người ngồi ghế hội đồng; đừng để mỗi mùa xét tặng là một mùa buồn với những nghệ sỹ cả đời tận tâm, tận lực giữ và truyền ‘lửa’ nghề,” nghệ sỹ nhân dân Anh Tú (Nhà hát Kịch Việt Nam) bày tỏ.

Theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (ngày 29/9/2014) của Chính phủ (Quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú), một trong những tiêu chí để được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân là: có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, đã được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và có ít nhất hai giải Vàng quốc gia (sau khi được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú).

[Cần linh hoạt khi xử lý vướng mắc liên quan đến xét tặng danh hiệu]

Trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần thứ tám (năm 2015) nghệ sỹ cải lương Thanh Tuấn cũng “trượt” danh hiệu nghệ sỹ nhân dân do không đủ số huy chương theo quy định.

“Sau lần đó, tôi đã thấy nản và không muốn làm tiếp tục hồ sơ nữa. Tuy nhiên, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh liên tục động viên nên tôi đồng ý làm hồ sơ trong đợt xét tặng này. Tôi cũng hiểu quy định là quy định nhưng không lẽ, ở tuổi này rồi, tôi còn đi thi, ‘cạnh tranh’ với học trò để lấy huy chương? Điều đó thật nực cười! Không có danh hiệu nghệ sỹ nhân dân nhưng tôi vẫn được khán giả đón nhận, đồng nghiệp yêu mến, học trò kính trọng. Vậy là đủ!,” nghệ sỹ Thanh Tuấn trải lòng.

Chia sẻ về vấn đề này, nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy nói: “Nghệ sỹ Thanh Tuấn đã gắn bó với sân khấu cải lương quá nửa đời người. Ở tuổi 70, anh vẫn say sưa với nghiệp diễn và dày công bồi dưỡng, miệt mài đào tạo thế hệ kế cận. Hơn nữa, nghệ sỹ Thanh Tuấn cũng là một vị giám khảo uy tín tại nhiều hội diễn, cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Nếu một trong ba nghệ sỹ (Thanh Tuấn, Minh Vương, Giang Châu) tham dự các kỳ hội diễn ấy, thử hỏi, ai đủ ‘tầm’ để chấm điểm các anh?”

Nghệ sỹ 'xếp hàng' chờ danh hiệu: 'Cây đa' cũng héo mòn ảnh 2Nghệ sỹ Trần Hạnh (phải) trong phim "Cha cõng con." Dù tuổi đã cao nhưng nghệ sỹ vẫn hoạt động nghệ thuật bền bỉ. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Hội đồng gồm những ai?

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (ngày 29/9/2014) của Chính phủ, một điều kiện khác để nghệ sỹ được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú là: hồ sơ cần được ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng thuận.

Theo nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, tỷ lệ 90% số phiếu đồng thuận là quá cao. “Tôi cho rằng, tỷ lệ đồng thuận nên để ở mức 75% là hợp lý bởi trong việc đánh giá, thẩm định nghệ thuật, rất khó đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Ví dụ, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước theo từng lĩnh vực bao gồm từ 15-17 thành viên. Trong số đó, chỉ cần một đến hai người không bỏ phiếu đồng thuận thì hồ sơ sẽ không được thông qua. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nghệ sỹ,” ông Thọ nói.

[Thông qua hồ sơ xét tặng nghệ sỹ nhân dân của ‘cô Đẩu’ Công Lý]

Ở góc độ khác, nghệ sỹ Anh Tú cho rằng, cần công bố cụ thể danh tính các thành viên hội đồng để giới trong nghề và công chúng cùng biết. Không chỉ có vậy, nghệ sỹ này cũng cho rằng, quy định về số huy chương để được xét tặng danh hiệu cũng cần được xem xét linh hoạt. Trên thực tế, do điều kiện kinh phí nên nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân ít tham dự các kỳ liên hoan. Không chỉ có vậy, nhiều nghệ sỹ cao tuổi, đã nghỉ hưu cũng không tham dự các hội diễn chuyên nghiệp nhưng vẫn miệt mài trên sân khấu, say sưa ở phim trường.

“Bởi vậy, nếu xét theo tiêu chí số lượng huy chương thì sẽ rất thiệt thòi cho nghệ sỹ. Việc trao tặng danh hiệu kịp thời, đúng lúc sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn để nghệ sỹ tiếp tục cống hiến. Những câu chuyện quá khứ (các nghệ sỹ nổi danh, được công chúng yêu mến như nghệ sỹ Văn Hiệp được truy tặng danh hiệu khi đã rời xa cõi tạm) là bài học mà chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc” đạo diễn Anh Tú bày tỏ quan điểm.

Có thể bỏ phiếu lại

Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đã được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thông qua, công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước), ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã đề nghị cấp trên đặc cách xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đối với ba nghệ sỹ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu.

Liên quan đến những ý kiến trái chiều về việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ năm nay, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngày 26/7, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực sân khấu sẽ họp.

Với tư cách là cơ quan tham mưu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo hội đồng những ý kiến tổng hợp từ các phản hồi của dư luận, để hội đồng xem xét và đưa ra hướng xử lý đối với các đề nghị xét lại hồ sơ của các nghệ sỹ không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận trước đó. “Hội đồng sẽ đưa ra quyết định về việc có bỏ phiếu lại hay không,” ông Phùng Huy Cẩn khẳng định.

Nghệ sỹ 'xếp hàng' chờ danh hiệu: 'Cây đa' cũng héo mòn ảnh 3Nghệ sỹ Văn Hiệp (trái) nhận danh hiệu nghệ sỹ ưu tú khi đã rời xa cõi tạm.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm (diễn ra ngày 12/7 vừa qua tại Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, cơ quan này sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến phản hồi liên quan đến việc xét tặng danh hiệu với thái độ cầu thị, nghiêm túc; đồng thời sẽ xem xét một cách thấu đáo, khách quan và công tâm.

“Đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới con người, tới những đóng góp, cống hiến to lớn trong suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ. Họ đã được giới chuyên môn ghi nhận và được công chúng yêu mến. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết các vướng mắc, bên cạnh việc tuân thủ các quy định hiện hành, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chúng ta cũng cần linh hoạt xét đến những trường hợp đặc biệt. Các văn bản, quy định là do con người làm ra. Khi xuất hiện những bất cập, quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì cần đề xuất để điều chỉnh, thay đổi,” Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục