Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ký ức các văn nghệ sỹ

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, tận tụy mà còn là một người rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến đời sống của giới văn nghệ sỹ.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy ximăng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Trong ký ức của những người cầm bút, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, tận tụy mà còn là một người rất gần gũi, gắn bó và quan tâm đến đời sống của giới văn nghệ sỹ.

Báo điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết ghi lại những kỷ niệm, câu chuyện về Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của các nhà văn, nhà thơ từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện và làm việc với ông.

Bài viết được trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2012)

Nhà văn-nhà báo Minh Chuyên: “Bác Đỗ Mười với quê tôi”

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong những người có nhiều thời gian gắn bó với mảnh đất Thái Bình quê tôi. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ông đã về hoạt động ở vùng Quỳnh Côi (Thái Bình). Đó là những năm 1951-1953.

Những người dân được sống gần bác kể, bác Đỗ Mười rất mưu trí và làm việc hết mình. Bác đã từng đóng vai người nông dân trong quá trình hoạt động cách mạng, nhằm che mắt địch.

[Hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười]

Trong thời gian này, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sống cùng gia đình ông Nguyễn Lộc (xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Lôi). Ông Lộc cho hay: “Thời kỳ đó, mỗi khi đi ra khỏi làng, bác Đỗ Mười thường gánh hai bó rọ cá rô để che mắt bọn mật thám hoặc vác cái đòn càn, đầu đội nón lá, trông như một lão nông tri điền.”

Trong một lần gặp lại Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đại diện gia đình bà Phấn (xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Lôi) - một gia đình cơ sở từng giúp đỡ ông trong nhiều năm có hỏi: “Bác còn nhớ mùa Hè năm 1952 không? Hồi đó bác bị ốm nặng mà vẫn cứ làm việc. Sau ốm nặng hơn không đi được, chú Khâm, chú Chiến cần vụ phải cõng bác mà bác vẫn không chịu nghỉ.”

Sự tận tụy vì công việc của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi ấy khiến nhiều người dân Quỳnh Nguyên cảm động, nể trọng. Ông là một con người từng gắn bó máu thịt với mảnh đất này và mảnh đất này cũng bao dung, đùm bọc, coi ông như người ruột thịt của quê hương...

Khi là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ trong hai năm, bác Đỗ Mười đã về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17/2/1994. Lần thứ hai vào ngày 14/2/1996. Dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng sức làm việc của bác vẫn khiến những người xung quanh trầm trồ ngưỡng mộ. Về Thái Bình, có ngày, bác làm việc liên tục 12 tiếng, tiếp xúc, thăm hỏi và trò chuyện với cán bộ, nhân dân. Nghe bác với dáng vẻ say sưa, nhìn nỗi lo âu, trăn trở hiện hữu trên gương mặt, nhiều người bảo, bác Đỗ Mười làm việc bằng tâm mình, bằng trách nhiệm lớn với dân, với Đảng nên mới có nghị lực phi thường như thế.

Cả hai lần về Thái Bình bác đều biểu dương và khẳng định: Đảng bộ và nhân dân Thái Bình có truyền thống đấu tranh cách mạng, có nhiều cố gắng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bác cũng không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải cố gắng nâng cao mức sinh hoạt của nhân dân. Trách nhiệm, tình thương và sức làm việc của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã để lại những dư âm sâu nặng nghĩa tình sau mỗi lần bác về thăm quê tôi.

Không chỉ quan tâm tới đời sống của người nông dân, với những văn nghệ sỹ, bác Đỗ Mười cũng hết lòng chân tình. Với tôi, một nhà văn, có lẽ suốt đời làm nghề cũng không thể nào quên được một lần được bác quan tâm đến. Lần ấy, tôi viết bút ký “Thủ tục làm người còn sống” đăng trên báo Văn nghệ và báo Thái Bình tháng 3/1988. Ngay sau đó, bao nhiêu sóng gió dồn dập đến với tôi.

Khi đó, bác Đỗ Mười là Thường trực Ban Bí thư. Bác đã đọc bài ký này và trực tiếp gửi hai bức điện cho Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình. Nội dung bức điện: “... Đề nghị các đồng chí xác minh rõ bản chất nội dung sự việc nêu trong bài ký ‘Thủ tục làm người còn sống’ và báo cáo về Ban Bí thư.”

Thế là công việc xem xét bài ký được diễn ra rất khẩn trương. Chỉ trong hai tháng các cuộc điều tra, xác minh được tiến hành và sau bảy cuộc họp, trao đổi qua lại, sự việc bài ký đã kết thúc. Tôi cứ ngỡ cuộc đời cầm bút của mình chấm hết từ đây. Không ngờ, sóng gió đã qua. Tôi được coi là người có công phát hiện. Đến nay, tác phẩm này đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại lần thứ hai trong tập “Người không cô đơn” của tôi.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với thiếu nhi trường PTTH An Thạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (28/9/1996). (Ảnh: Xuân Lâm/ TTXVN)

Tháng 2/1996, trong một chuyến bác Đỗ Mười về Thái Bình làm việc, tôi được đi theo đoàn của bác để làm báo. Tôi đã nhờ anh Phạm Tầm (Vụ trưởng Vụ Địa phương của Văn phòng Trung ương cùng đi giới thiệu với bác và trân trọng tặng bác tập truyện “Người không cô đơn,” trong đó có tác phẩm “Thủ tục làm người còn sống.”

Sau khi nhắc tới bức điện của bác đề cập bài ký, tôi cảm kích thưa với bác Đỗ Mười: “Nhờ sự công minh sáng suốt của Đảng và sự quan tâm sâu sát của bác ngày ấy, cháu mới được gặp bác ngày hôm nay, mới có được cuốn sách này ra đời. Cháu xin chân thành cảm ơn bác.”

Bác Đỗ Mười đỡ cuốn sách, mỉm cười. Một nụ cười bao dung và nhân từ mà tôi còn nhớ mãi.

Nhà văn Học Phi: “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người bạn lớn của văn nghệ”

Nói đến đồng chí Đỗ Mười, người ta thường chỉ nghĩ đến một đồng chí lãnh đạo, có đời sống giản dị, trong sáng, có tác phong sâu sát, lúc nào cũng sôi nổi, gần gũi với mọi người. Thế nhưng còn một điều mà chỉ có anh em trong giới văn nghệ mới biết, đó là đồng chí rất yêu văn nghệ, rất ưu ái văn nghệ sỹ. Đồng chí thường nói: “Việc làm ăn thì khó đến mấy, mày mò mãi rồi cũng ra. Còn khó nhất là chinh phục lòng người, làm cho lòng người quy về một mối. Để làm việc này thì không thể thiếu vai trò của văn nghệ.”

Xuất phát từ ý nghĩ ấy, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, đồng chí cho thành lập ngay tổ chức tư vấn về văn hóa để giúp Ban Bí thư Trung ương giải quyết các vấn đề về văn hóa, nghệ thuật. Dù bận trăm công nghìn việc, đồng chí vẫn bố trí thì giờ đến họp với anh em để nắm tình hình và cho ý kiến chỉ đạo.

Hồi ấy, tình hình văn nghệ rất phức tạp, nhân Đảng có chủ trương đổi mới, một số người đã đi quá trớn, viết sách, viết báo phủ nhận tất cả. Họ nhìn vào đâu cũng chỉ thấy một màu xám xịt. Họ không tin vào chính sách đổi mới của Đảng. Họ đánh đồng các cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta với các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Họ nghi ngờ cả lịch sử, không tin có anh hùng dân tộc.

Trước tình hình ấy, nhiều anh em tỏ vẻ nôn nóng đề nghị đồng chí Đỗ Mười cho xử trí ngay. Đáp lại, đồng chí nói: “Chuyện này không có gì là lạ. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, mỗi khi đất nước có chuyển biến quan trọng thì thế nào cũng có một số người chao đảo. Các thế lực thù địch thường nhân cơ hội kích động thêm, dẫn họ đến những việc làm thiếu suy nghĩ. Phải kiên trì thuyết phục anh em để họ nhận thấy sai lầm của mình mà sửa. Phải nói thẳng, nói thật, về mặt tư tưởng thì phải dứt khoát không thể khoan nhượng được, nhưng phải nói cho có lý, có tình, đừng đao to búa lớn.”

Trước thềm Đại hội lần thứ V của Hội Nhà văn Việt Nam, thông thường, các đồng chí lãnh đạo chỉ đến nói chuyện với anh em trong thời gian hội nghị, nhưng lần này, đồng chí Đỗ Mười đề nghị cho gặp anh em trước khi vào hội nghị để “tư tưởng có thông thì họp hành mới có kết quả”.

Tối hôm ấy, anh em đến dự đông đủ tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng. Bằng giọng nói sôi nổi, nhưng mộc mạc, thân mật, đồng chí chia sẻ với anh em văn nghệ sũ như nói chuyện với bạn bè. Về vị trí của nước ta trên trường quốc tế, đồng chí nói: “Tôi vừa đi thăm mấy nước tư bản về. Chúng ta đều biết tư bản không thích cộng sản... Vậy mà đi đến đâu tôi cũng được họ tiếp đón long trọng.”

Đồng chí ngừng một chút rồi nói tiếp: “Nhưng có được cái vinh dự ấy, chúng ta đã phải đổ bao nhiêu xương máu, phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ để giữ nước và dựng nước... Hôm nọ, tiếp Thượng nghị sỹ John Kerry của Mỹ sang thăm nước ta, tôi cũng nói thẳng với ông ta rằng: ‘Các ông đã gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc cho nhân dân chúng tôi nhưng bây giờ chiến tranh đã qua, chúng tôi muốn gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, để nhân dân hai nước được sống hòa bình, yên vui.’

Cứ vậy, trong suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, đồng chí vừa đi vừa nói. Nhờ có sự “khai thông” của đồng chí mà Đại hội V của Hội Nhà văn đã thành công tốt đẹp.

Một điều nữa làm anh em đến bây giờ vẫn còn luôn nhắc đến là đại hội đã bế mạc, đồng chí còn giữ anh em ở lại hai ngày để phổ biến Nghị quyết của Đại hội Đảng và cùng anh em trao đổi về công việc của nhà văn: sáng tác, đi thực tế, xuất bản, nhuận bút…

Trước thái độ cởi mở, khích lệ của đồng chí, anh em đã nói thẳng, nói thật, bộc bạch hết tâm tư, nguyện vọng cùng những khó khăn, vướng mắc của mình trong công tác cũng như trong đời sống. Đồng chí chú ý lắng nghe và ghi nhận tất cả. Việc gì có thể giải quyết ngay tại chỗ thì đồng chí giải quyết, khiến anh em phấn khởi. Nhiều anh em sau khi về địa phương còn viết thư đến cảm ơn đồng chí và đề nghị đồng chí ứng cử Trung ương một khóa nữa.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Đồng chí Đỗ Mười cũng rất quan tâm đến đời sống của anh em văn nghệ. Nhiều văn nghệ sỹ đã được đồng chí đến tận nhà thăm hỏi, đồng chí nào gặp khó khăn đều được giúp đỡ. Thấy chị Song Kim đã có tuổi, lại bị đau chân, đồng chí có ý kiến với Bộ Văn hóa làm cho chị một nhà vệ sinh ở ngay trên gác, sát buồng ngủ của chị. Ngoài việc giúp đỡ từng cá nhân ra, đồng chí còn dự định xây dựng một bệnh viện riêng cho văn nghệ sỹ lão thành. Thế nhưng, rất tiếc, đến nay ý định này chưa thực hiện được.

Sự ưu ái của đồng chí Đỗ Mười đối với anh em văn nghệ sỹ không chỉ thể hiện trong thời gian đồng chí làm Tổng Bí thư, mà còn tiếp tục về sau này nữa, cho đến tận bây giờ. Chỉ tính từ năm 1997 đến nay, đồng chí đã hai lần đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho Hội Nhà văn để anh em đi thực tế và giúp các nhà văn lão thành.

Nhờ có sự hỗ trợ của Trung ương mà mấy năm gần đây, anh em đi thực tế được nhiều hơn, viết được nhiều hơn, có nhiều tác phẩm có giá trị. Trong cuộc thi tiểu thuyết năm 1998-2000 của Hội Nhà văn, có một cuốn đề cập đến những sai lầm trong cải cách ruộng đất, anh em không dám quyết định, phải đưa lên xin ý kiến đồng chí. Xem xong, đồng chí nói: “Về cải cách ruộng đất, Đảng đã có kết luận rồi, việc gì phải giấu giếm. Nếu không nói công khai cho mọi người biết thì người ta cũng đã biết, chỉ có cái không biết hết, nên thường suy luận lung tung, không lợi”. Ý kiến của đồng chí làm anh em yên tâm khi viết về những vấn đề “nhạy cảm”.

Đồng chí Đỗ Mười rất yêu quý các cháu học sinh, nhất là các cháu học sinh nghèo vượt khó và các cháu khuyết tật. Biết điều này, một nhà công thương lớn của Hàn Quốc đã biếu đồng chí một triệu đôla để đồng chí cho các cháu. Đồng chí cho triệu tập Văn phòng Trung ương cùng với Ban Khoa giáo Trung ương và Bộ Giáo dục họp để bàn chia số tiền này cho các tỉnh. Đến nay, các tỉnh báo cáo về đã xây trường cho các cháu khuyết tật. Ở Hà Nội, Đại học Sư phạm thành lập một phân hiệu riêng cho các cháu ở trong trường.

Đồng chí Đỗ Mười sống rất giản dị. Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Trung ương định bố trí chỗ ở khác cho đồng chí có đầy đủ tiện nghi hơn, rộng rãi hơn, nhưng đồng chí đề nghị cho ở lại nhà cũ, một ngôi nhà giản dị, trong nhà không có đồ gì đắt tiền... Phòng ngủ của đồng chí chỉ có một chiếc phản gỗ nhỏ.

Nhà văn Chu Lai: “Đỗ Mười - Một phong cách”

Với những yếu nhân của một quốc gia, lâu nay, người ta hay đặt cho họ những biệt danh cao quý về tư tưởng hoặc tác phong, nhưng riêng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi được biết nhiều người nhớ đến ông ở góc độ phong cách.

Đó là một phong cách bình dân ấm áp mà ở ông luôn được toát ra đậm nét ở bất cứ chỗ nào. Có lẽ, ông là một trong số rất ít người có thể nói vo cả ba, bốn tiếng đồng hồ về những vấn đề lớn lao, vĩ mô. Ông luôn biết biến những điều phức tạp thành ra đơn giản, biết biến cái “trúc trắc” trong chính trị, trong các phạm trù văn hóa, triết học thành những từ dân gian. Ông ví Liên Xô sau chính biến năm 1991 như con voi bị bệnh hiểm nghèo.

Ông nói văn nghệ sỹ là hoa của đất; mà đã là hoa thì lúc nào cũng phải tỏa hương thơm. Tôi luôn có cảm giác hết thảy những điều ông nói ra đều xuất phát từ trong trái tim người cộng sản chỉ biết một lòng một dạ vì cuộc sống của nhân dân, vì sự đi lên của xã hội. Có lần ông rủ rỉ: “Tôi biết ngồi đây vẫn có những anh chị chưa hoàn toàn đồng ý với tôi về bản chất của chủ nghĩa xã hội, bản chất của Đảng ta. Vậy tôi xin mời các anh, các chị đến phòng tôi, chúng ta uống trà, trao đổi, kể cả tranh luận để tìm ra chân lý.”

Lại nhớ trong những trang sử hào hùng chống phong tỏa thủy lôi Mỹ ở khu cảng chiến lược Hải Phòng năm 1972, khi ông là Phó Thủ tướng kiêm đặc trách mặt trận xung yếu này. Người ta kể, có đêm đã khuya lắm rồi, ông vừa bế cháu vừa quát vào điện thoại hỏi xem mật độ thủy lôi Mỹ thả dày đến đâu, ở những cửa biển cửa sông nào, ta có ai hy sinh không và các nhà khoa học, bên hải quân, bên hàng hải đã chế ra thiết bị rà phá được con thủy quái đó chưa?

Tiếng ra lệnh cùng với tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt trong điện thoại đã vang trên sóng nước chiến tranh một thời và có lẽ còn vang tiếp nhiều thời.

Phó Thủ tướng trong chiến tranh khốc liệt, Thủ tướng trong thời kỳ hậu chiến ngổn ngang và Tổng Bí thư trong giai đoạn bắt đầu Đổi mới, dường như số phận dân tộc, lịch sử non sông luôn đặt lên đôi vai ông những trọng trách bản lề mà không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua. Những năm tháng đó ai cũng hiểu rằng, ông đã bám chắc vào dân, thở hơi thở của nhân dân, vui buồn cùng nỗi niềm với nhân dân nên phải chăng từ chiều sâu nhân văn thăm thẳm đó, cùng với bộ tham mưu dày dạn của đất nước, các phát kiến, đường lối, chủ trương táo bạo nhằm thay đổi cơ bản cục diện kinh tế được ra đời. Lịch sử tạo nên cá nhân và cá nhân cũng làm nên lịch sử có lẽ nằm ở ý nghĩa này.

Là một nhân cách quyết đoán trong những thời khắc quan trọng và nhạy cảm của đất nước, trong đời thường ông lại là một con người duy cảm. Tôi đã đôi lần nhìn thấy ông nghẹn lời khi nói về những mất mát, những nỗi đau da cam, những vấn nạn xã hội đang hoành hành, những hiểm họa thiên tai khắc nghiệt mà người dân ở những vùng bão lũ phải gánh chịu. Như thể ông đang nhận lỗi về tất cả trước quốc dân đồng bào.

Ông là một nhân cách thủy chung với những con người, với thế hệ cùng thời với mình mà sự đóng góp, công lao của họ với cách mạng không bao giờ ông xao nhãng, bỏ quên. Chiến tranh rồi sẽ thái hòa, nghèo rồi sẽ giàu, đông tàn ắt sẽ sang xuân, mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, cái còn lại trường tồn là cái nghĩa cái tình của con người đối xử với nhau.

Ông là một con người tình nghĩa, một phong cách sống chân thành, đằm thắm, hết lòng với con người, với cuộc đời. Vì thế mà hình ảnh ông Đỗ Mười, chắc chắn sẽ còn cháy sáng bền bỉ thật lâu trong tâm khảm nhân dân.

Nhà thơ Vĩnh Quang Lê: “Đỗ Mười - Một trong những lãnh tụ Đổi mới của Việt Nam”

Tổng Bí thư Đỗ Mười là một lãnh tụ của Đảng với những công lao to lớn được khẳng định trong thời kỳ Đổi mới. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp biến đường lối đổi mới của Đảng ta thành hiện thực.

Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông hoạt động trong phong trào dân chủ từ năm 1936, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam ở Hỏa Lò (Hà Nội).

Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama và Tổng Bí thư Đỗ Mười trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 18-19/4/1995. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Tháng 3/1945, ông vượt ngục tham gia giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông. Từ năm 1946-1955, ông lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Nam Định, Khu ủy viên Liên khu III kiêm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, phụ trách tỉnh Hòa Bình, Phó Bí thư Liên khu ủy, kiêm Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III, rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng rồi Thủ tướng và Tổng Bí thư. Dù ở cương vị nào, ông cũng để lại những dấu ấn không phai mờ ở tính cách nhiệt tình, cách làm việc với các cộng sự của mình. Ông là Tổng Bí thư trưởng thành từ cơ sở.

Những năm 1970s, ông xắn quần lội nước cùng với dân, đi vào các khu vực bị úng lụt, xuống đồng cùng bà con khắc phục khó khăn.

Có thể nói, ông Đỗ Mười là người của thực tiễn, dân chủ và công khai, đó là hai phẩm chất quan trọng của ông. Ngày 2/2/1997, ông tròn 80 tuổi, ông vẫn sung sức, trí tuệ minh mẫn. Nhiều trí thức khi nghe chuyện Tổng Bí thư Đỗ Mười giảng bài tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thốt lên: “Có lẽ trí tuệ của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thanh xuân hoá. Ông Đỗ Mười là người tiêu biểu nhất ở tuổi 80 vẫn làm việc và làm việc một cách hết mình.”

Tiếng nói nhẹ nhàng, thân thương của ông nhắc nhở giới khoa học: Hãy đi vào thực tiễn bởi bằng cấp chỉ xác nhận quá trình tiếp thu kiến thức của mỗi người, còn thực tiễn mới xác nhận năng lực, tài năng của họ.

Tổng Bí thư Đỗ Mười là một nhà cách mạng lớn. Với ông đoàn kết là mục tiêu lớn nhất của đời ông. Ông đã góp phần làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam lớn mạnh ở tiêu chí đoàn kết. Ông thuyết phục mọi người đoàn kết bên nhau tiến lên trong cơ chế thị trường.

Vẫn bộ quần áo đại cán giản dị muôn thuở, chỉ những khi tiếp các đoàn khách nước ngoài, ông mới mặc complet. Bộ complet cho ta thấy cương vị nào, trang phục nào cũng phù hợp với ông. Bởi ông là con người phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Trong tiến trình Đổi mới, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là người sáng tạo ra những khẩu hiệu đối ngoại mang đậm bản sắc dân tộc như: “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước”… Người “nhạc trưởng” ấy đã mở ra thời kỳ mới cho đối ngoại Việt Nam.

Ông chân tình gặp gỡ giới văn nghệ sỹ, trí thức đẻ tháo gỡ những khúc mắc, khó khăn. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm tới khoa học xã hội. Ngoài việc bố trí cán bộ chủ chốt, ông còn dành nhiều thời gian làm việc với các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của họ đóng góp, xây dựng những luận điểm quan trọng, những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Hiểu rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, ông đã thực sự đến với nhân dân, đối thoại với nhân dân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng của các tôn giáo Việt Nam, ông đã đối thoại cùng các giáo dân tìm ra con đường ngắn nhất kết hợp yêu nước, yêu đời và yêu đạo.

Những tác phẩm của ông được xuất bản trong 10 năm gần đây khẳng định thắng lợi của công cuộc Đổi mới, khẳng định con đường đi tới tương lai của Việt Nam là đúng đắn, không có một kẻ thù nào có thể đảo ngược được. Các bạn Cuba, Lào, Triều Tiên đến khảo sát, học tập những bài học đổi mới của Việt Nam, một lần nữa khẳng định công lao của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Cuộc đời của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong những nhà đổi mới hàng đầu của nước ta, một nhà cách mạng không ngừng cống hiến cho sự nghiệp của nhân dân. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Đỗ Mười là nhà nhân đạo lớn, một người liêm khiết, chí công vô tư mang đầy đủ bản sắc Việt Nam. Cuộc đời của ông mãi mãi giúp cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị nhân bản của dân tộc ta, để chúng ta có được những bài học sáng giá cho hôm nay và cho mai sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục