Nhà nước có nên phát hành gói trái phiếu để mua lại các dự án BOT?

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, Nhà nước nên phát hành trái phiếu để mua lại trạm phí hoặc có phương án giảm phức phí thấp hơn để giảm gánh nặng phí và bức xúc cho người dân.
Nhà nước có nên phát hành gói trái phiếu để mua lại các dự án BOT? ảnh 1Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa hoạt động trở lại sau sự việc phản đối của tài xế khi mức phí quá cao. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề người dân phản đối việc thu phí trên một số tuyến đường BOT trong thời gian vừa qua, một số chuyên gia giao thông cho rằng, Nhà nước nên phát hành trái phiếu để mua lại trạm phí hoặc có phương án giảm phức phí thấp hơn đồng thời kéo dài thời gian thu để duy trì bộ máy vận hành trạm thu phí và dùng số tiền đó để duy tu, bảo trì đường BOT.

Theo một chuyên gia giao thông, trong giai đoạn 2016-2020, ngành giao thông được bố trí vốn trung hạn vào khoảng 71.000 tỷ đồng trong đó riêng dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã “ngốn” mất 55.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng giao cho ngành đường sắt... Nếu Nhà nước lấy nguồn vốn bố trí vốn này để mua lại các trạm thu phí BOT thì sẽ vỡ mất kế hoạch vốn 5 năm được “rót” cho ngành giao thông.

[Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT]

“Vì thế, Chính phủ nên chăng trình Quốc hội để thông qua phát hành một gói vốn trái phiếu riêng có thời gian 15 năm trả nợ dần ngân hàng thay vì để doanh nghiệp trả ngân hàng trong vòng 20-22 năm sẽ giải tỏa được bức xúc của người dân về gánh nặng phí đường, chuyên gia này kiến nghị.

Giải thích rõ hơn, vị chuyên gia này đưa ra dẫn chứng, một dự án BOT có nguồn vốn đầu tư khoảng 1.500-2.000 tỷ, nếu 10 trạm thu phí tầm 15.000-20.000 tỷ đồng. Nhà nước phát hành trái phiếu 15 năm, tính ra mỗi năm bỏ ra 2.000 tỷ thì sẽ không đẩy trần nợ công lên cao và giải quyết được bài toán xã hội vốn đang rất bức xúc về phí đường bộ.

Việc làm này, theo đánh giá của chuyên gia, ngân hàng sẽ đồng tình vì thu hồi nhanh, hạn chế được rủi ro về khoản nợ vay trong khi nhà đầu tư BOT chuyển được nợ cho Chính phủ.

Tuy nhiên, bài toán được đặt ra, trong trường hợp đường BOT hỏng sẽ lấy tiền đâu để sửa chữa bởi quỹ bảo trì đường bộ nguồn thu quá ít, chưa đủ để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường Quốc lộ trên toàn quốc.

Đặt vấn đề đến việc vẫn giữa thu phí các trạm BOT nhưng bỏ phí bảo trì đường bộ cho phương tiện, một số chuyên gia đưa ra câu hỏi, quỹ bảo trì đường bộ với mục đích để sửa chữa các tuyến đường trên toàn quốc (trừ đường BOT), vậy nếu bỏ thu thì lấy nguồn gì duy trì các tuyến đường khác không phải BOT?

Do đó, phương án được các chuyên gia đưa ra đó là Nhà nước cân đối nguồn vốn để mua lại trạm phí hoặc có phương án giảm phức phí thấp đồng thời kéo dài thời gian thu để duy trì bộ máy vận hành trạm thu phí và dùng số tiền phí thu được để sửa chữa hư hỏng đường BOT.

[Bất cập các dự án BOT: Không nhà đầu tư nào muốn làm đường?]

Khẳng định về việc xây dựng các tuyến đường bộ theo hình thức BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, quan điểm của lãnh đạo Hỉệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, Nhà nước nên có quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư các tuyến đường mới theo hình thức BOT.

“Còn những tuyến đường đã được xây dựng từ trước bằng ngân sách Nhà nước thực chất là tiền thuế đóng góp của dân thì sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì, nâng cấp. Như vậy, người sử dụng đường bộ có quyền lựa chọn đi trên tuyến đường tốt (đường BOT) phải trả với mức phí hợp lý hoặc đi trên những tuyến đường cũ không phải trả phí,” ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định.

Đối với việc đặt trạm thu phí BOT, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giải quyết một số khó khăn trong đó có nội dung “với các trạm thu phí BOT phải đặt tại những vị trí hợp lý để người không sử dụng đường bộ không phải trả phí”.

Trên thực tế, theo đánh giá của ông Thanh, còn nhiều trạm thu phí đặt tại vị trí chưa thật phù hợp khi đầu tư xây dựng BOT một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo. Nhiều người không sử dụng tuyến đường BOT phải trả phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội và gây khó khăn trong kinh doanh cho đơn vị vận tải.

Đặc biệt, theo ông Thanh, Hiệp hội đã nhận được báo cáo và kiến nghị những bất cập tại trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 (tỉnh Kiên Giang) và trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Đây là 2 trạm điển hình về việc đặt sai vị trí của dự án BOT, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Thủ tướng xem xét lại việc đặt vị trí trạm và thu phí đường bộ đồng thời chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm di dời các trạm này về đúng vị trí các đoạn tuyến được đầu tư bằng nguồn vốn BOT.

“Trong lúc chưa di dời cần tính toán miễn phí 100% cho tất các các phương tiện chỉ sử dụng một phần rất nhỏ tuyến đường dùng vốn BOT xây dựng vì việc sử dụng phần rất nhỏ đoạn tuyến đó là do vị trí đặt trạm thu phí không họp lý buộc phương tiện phải đi qua,” ông Thanh quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục