Nhật Bản can thiệp thị trường tiền tệ trong nước

Nhật Bản chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ trong nước lần đầu tiên kể từ tháng 8/2011 nhằm kiềm chế đồng yen tăng giá.
Ngày 31/10, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ trong nước lần đầu tiên kể từ tháng 8/2011, nhằm kiềm chế đồng yen tăng giá.

Giá đồng yen so với USD đã vọt lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai và tăng mạnh so với đồng euro, giữa lúc giới đầu tư coi đồng nội tệ của Nhật Bản như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro (Eurozone) đã và đang gây lo ngại trên các thị trường.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi nói rằng hành động trên là đơn phương, song ông không cho biết chi tiết về quy mô của lần can thiệp này.

Ông Azumi nhấn mạnh: "Mặc dù tôi đã nhiều lần nhắc lại rằng chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp quyết định nhằm ngăn chặn các hoạt động đầu cơ trên thị trường, song những hành vi đó vẫn tiếp diễn. Do đó, tôi đã ra lệnh can thiệp vào thị trường tiền tệ vào lúc 10 giờ 25 phút" (1 giờ 25 GMT, tức 8 giờ 25 phút sáng theo giờ Việt Nam).

Các thị trường đã có phản ứng tích cực ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, với chỉ số Nikkei tăng hơn 0,5%; tỷ giá đồng yen so với đồng bạc xanh giảm xuống còn 79,2 yen/USD vào lúc 2 giờ 45 GMT (tức 9 giờ 25 phút sáng theo giờ Việt Nam), sau khi vào đầu phiên giao dịch ngày 31/10 vọt lên 75,32 yen/USD, mức kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đồng euro cũng tăng mạnh so với đồng nội tệ của Nhật Bản, từ 107,06 yen/euro lên 111,25 yen/euro.

Tại Nhật Bản, những lo ngại ngày càng tăng rằng đồng yen mạnh, vốn làm giảm lợi nhuận của các công ty Nhật ở nước ngoài khi được chuyển về nước và khiến hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này kém cạnh tranh hơn, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi yếu ớt nền kinh tế Nhật Bản từ thảm họa thiên tai hồi tháng 3/2011.

Ngành chế tạo đã bước sang giai đoạn phục hồi kể từ sau trận động đất, sóng thần vừa qua - vốn làm gián đoạn các chuỗi cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp của Nhật Bản. Song, giới thị trường ngày càng quan ngại rằng cứ mỗi mức tăng 1 yen trong tỷ giá giữa đồng nội tệ so với đồng USD có thể làm mất hàng chục tỷ yen lợi nhuận kinh doanh hàng năm của các tập đoàn lớn như Toyota.

Với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tính đến giải pháp chuyển việc làm và cơ sở sản xuất ra nước ngoài nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, các quan chức Nhật Bản đã cảnh báo nguy cơ sụp đổ của ngành công nghiệp trong nước.

Trước đó, ngày 27/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thông báo thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ, nhằm bảo vệ đà phục hồi kinh tế trước tác động của đồng yen mạnh, cũng như những hiệu ứng tiêu cực từ cuộc khủng nợ công trong khu vực Eurozone./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục