Nhật Bản hoãn đóng góp khoản tiền 42 triệu USD cho UNESCO

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ hoãn đóng góp 42 triệu USD năm nay cho UNESCO nhằm phản đối việc bổ sung vụ “Thảm sát Nam Kinh” vào chương trình di sản tài liệu.
Nhật Bản hoãn đóng góp khoản tiền 42 triệu USD cho UNESCO ảnh 1Thành viên Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA) tại một buổi lễ tưởng niệm ở Bảo tàng thảm sát Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Ngày 14/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này sẽ hoãn đóng góp 4,4 tỷ yen (42 triệu USD) năm nay cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhằm phản đối việc bổ sung vụ “Thảm sát Nam Kinh” vào chương trình di sản tài liệu.

Phát biểu với báo giới, ông Kishida nhấn mạnh động thái trên được đưa ra sau khi xem xét “một cách toàn diện” vấn đề này.

Nhật Bản hối thúc UNESCO cải tiến quy trình sàng lọc chương trình di sản. Về tương lai, ông Kishida nói rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ có thái độ cương quyết vấn đề trên.

Trong những năm qua, Nhật Bản trên thực tế là nhà tài trợ hàng đầu của UNESCO, sau khi Mỹ hoãn đóng góp cho tổ chức này này từ năm 2011 do phản đối Palestine trở thành thành viên của UNESCO.

Mỹ có nghĩa vụ đóng góp 22% ngân sách năm nay của UNESCO, trong khi Nhật Bản phải đóng góp 9,6%. Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ 3, với 7,9%. Một nước thành viên của UNESCO sẽ mất quyền bỏ phiếu tại cuộc họp Đại hội đồng của cơ quan này nếu không thanh toán tiền đóng góp trong hai năm.

"Vụ thảm sát Nam Kinh" theo cách gọi của Trung Quốc hay "Sự kiện Nam Kinh" theo cách nói của Nhật Bản nhằm ám chỉ những hành động quân đội Nhật Bản trước đây tiến hành bên trong và xung quanh Nam Kinh (Trung Quốc) sau khi thành phố này rơi vào tay quân đội Nhật Hoàng ngày 13/12/1937.

Phía Trung Quốc cho rằng số người thiệt mạng lên tới 300.000 người. Trong khi đó, các chuyên gia sử học Nhật Bản nhiều lần tranh luận về tính xác thực của vụ thảm sát này, cho rằng số người chết đều là binh sỹ và những hành động hung bạo không hề xảy ra. Sự kiện này tiếp tục là một đề tài gây tranh cãi trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản

Sổ lưu giữ ký ức thế giới là danh sách các di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ra đời năm 1992 nhằm bảo tồn di sản tư liệu của nhân loại cho thế hệ tương lai.

Cũng trong ngày 14/10, Israel tuyên bố đình chỉ hợp tác với UNESCO sau khi tổ chức này thông qua hai nghị quyết sơ bộ liên quan đến Đông Jerusalem trước khi tiến hành bỏ phiếu lần cuối vào tuần tới.

Trong thư gửi lên Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, Bộ trưởng Giáo dục Isreal Naftali Bennett cáo buộc cơ quan này phớt lờ “mối liên kết hàng nghìn năm nay giữa người Do Thái với Jerusalem” và hỗ trợ “khủng bố Hồi giáo.” Ông cho biết đã thông báo Ủy ban Quốc gia UNESCO Israel đình chỉ tất cả các hoạt động chuyên môn với tổ chức quốc tế này. Hiện UNESCO chưa có bình luận gì về vấn đề trên.

Trước đó, ngày 13/10, UNESCO thông qua nghị quyết sơ bộ xóa bỏ mối liên kết Do Thái với Thánh địa Jerusalem. Theo nghị quyết này, tên chính thức của khu vực đền thờ Hồi giáo al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền) ở Đông Jerusalem và bức tường phía Tây thành cổ Jerusalem sẽ được sử dụng bằng tiếng Arab, còn tên tiếng Do Thái sẽ chỉ được dùng trong ngoặc kép để tham khảo trong các văn kiện của Liên hợp quốc.

Sau động thái trên, giới chức Israel chỉ trích UNESCO có tư tưởng bài Do Thái, trong khi chính quyền Palestine hoan nghênh kết quả bỏ phiếu.

Israel đã chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập vùng đất này, một động thái không được quốc tế công nhận. Trong khi đó, người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục