Nhật Bản lập ủy ban điều tra vụ máy bay chiến đấu gặp sự cố

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lập ủy ban điều tra để tìm hiểu nguyên nhân sự cố của máy bay chiến đấu F-35A, đề ra biện pháp ngăn ngừa các vụ việc tương tự thời gian tới.
Máy bay chiến đấu F-35A của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản tại Toyoyama, tỉnh Aichi, tháng 6/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu F-35A của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản tại Toyoyama, tỉnh Aichi, tháng 6/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết bộ này đã thành lập ủy ban điều tra để tìm hiểu nguyên nhân sự cố của máy bay chiến đấu F-35A và đề ra biện pháp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Bộ trưởng Iwaya cho biết sẽ cho tạm dừng hoạt động của toàn bộ máy bay quân sự của Lực lượng phòng vệ trên không (JASDF) trong ngày hôm nay, 10/4, ngoại trừ các máy bay trực chiến và máy bay vận tải, sau sự cố xảy ra với máy bay chiến đấu F-35A tối 9/4.

Trước đó, Bộ trưởng Iwaya cũng đã lệnh tạm ngừng hoạt động của toàn bộ 12 máy bay F-35A còn lại và tập trung cho công tác tìm kiếm cứu nạn và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Sự cố xảy ra tối 9/4, một máy bay F-35 thuộc đội bay số 302, Không đoàn bay số 3 của JASDF đồn trú tại căn cứ Misawa ở tỉnh Aomori, cất cánh từ căn cứ Misawa để tiến hành huấn luyện nhưng sau đó đã biến mất khỏi màn hình radar tại khu vực ngoài khơi cách thành phố Misawa khoảng 135km về phía Đông Bắc.

Vào lúc xảy ra sự cố, có một phi công cấp tá trên máy bay.

Viên phi công này đã không thông báo bất cứ dấu hiệu bất thường hay gửi tín hiệu cấp cứu nào tới trung tâm điều hành bay trước khi máy bay biến mất. 

[Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định máy bay tàng hình F-35 đã rơi]

Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một vật được cho là mảnh vỡ từ cánh đuôi của máy bay F-35A trôi trên biển và xác nhận máy bay này đã gặp sự cố và rơi xuống biển.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Aomori nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy tung tích viên phi công trên chiếc máy bay gặp nạn.

Ngoài các máy bay và tàu tìm kiếm của JASDF và Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF), lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cũng đã cử 2 tàu tới cùng tham gia công tác cứu nạn.

Máy bay F-35A là máy bay tiêm kích thế hệ mới có tính năng tàng hình nên rất khó bị radar phát hiện. Tuy nhiên, do đang trong quá trình bay huấn luyện nên chiếc máy bay gặp sự cố phải thường xuyên phát tín hiệu định vị cho trung tâm quản lý bay.

Theo truyền thông địa phương, Nhật Bản mới đưa vào sử dụng máy bay F-35A từ tháng 1/2018 để thay thế máy bay F-4 đã cũ và tới nay có tổng cộng 13 chiếc loại này.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ sở hữu 147 máy bay F-35, trong đó có 105 máy bay F-35A và 42 máy bay F-35B./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục