Nhật đưa 2019-nCoV vào danh sách bệnh truyền nhiễm đối phó khẩn cấp

Đây là lần thứ 5 Chính phủ Nhật Bản đưa một bệnh nguy hiểm vào danh sách trên kể từ khi văn bản luật này có hiệu lực.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm virus corona tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm virus corona tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 28/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) gây ra vào danh sách các bệnh truyền nhiễm theo Luật Các bệnh truyền nhiễm với mục đích cho phép giới chức y tế nước này đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh nguy hiểm này.

Đây là lần thứ 5 Chính phủ Nhật Bản đưa một bệnh nguy hiểm vào danh sách trên kể từ khi văn bản luật này có hiệu lực.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, bốn lần trước đó Chính phủ Nhật Bản phải viện dẫn tới Luật Các bệnh truyền nhiễm để triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp gồm Hội chứng Viêm dường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, dịch cúm gia cầm do virus H5N1 năm 2006, dịch cúm gia cầm do virus H7N9 năm 2013, và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2014.

Luật Các bệnh truyền nhiễm hiện hành quy định về cơ bản, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm 1 là những bệnh nguy hiểm nhất. Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm 1 gồm Ebola và sốt Lassa.

Trong trường hợp một dịch bệnh mới bùng phát và chưa có trong danh sách dịch bệnh thuộc nhóm 1,2 hay 3 nhưng có nguy cơ lây truyền rộng và đe dọa đáng kể tới sức khỏe của người dân, Chính phủ Nhật Bản có thể đưa dịch bệnh đó vào danh sách bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm 1 hoặc 2 trong vòng 1 năm và nhờ vậy, họ có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh như những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm này.

[WHO công bố hướng dẫn chăm sóc y tế cho các ca nghi nhiễm corona]

Các biện pháp này gồm: (1) Lệnh cho những người nhiễm bệnh phải nhập viện hoặc bắt buộc nhập viện nếu họ không tuân thủ; (2) Hạn chế những người nhiễm bệnh tới nơi làm việc; (3) Sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán các chi phí y tế cho những đối tượng bị buộc phải nhập viện.

Các biện pháp khẩn cấp khác có thể sử dụng trong trường hợp này bao gồm khử trùng khu vực có người nhiễm bệnh và yêu cầu các bác sỹ phải thông báo bất cứ trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh truyền nhiễm.

Khoảng 400 cơ sở y tế được chỉ định trên khắp Nhật Bản sẽ được huy động để chữa trị cho các bệnh nhân này.

Trong thời hạn 01 năm hoặc sau đó, Chính phủ Nhật Bản có thể đưa dịch bệnh này vào một trong 5 nhóm bệnh truyền nhiễm theo Luật Các bệnh truyền nhiễm.

Cho đến thời điểm này, các dịch SARS, MERS, H5N1 và H7N9 đều đã được đưa vào nhóm 2 của danh sách các bệnh truyền nhiễm.

Cũng trong cuộc họp nội các hôm 28/1, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua sắc lệnh đưa bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra vào danh sách “bệnh truyền nhiễm có thể phải cách ly” theo Luật Kiểm dịch.

Theo đó, chính phủ có thể chỉ thị cho những người bị nghi nhiễm virus này đi xét nghiệm và kiểm tra y tế ngay sau khi họ tới Nhật Bản. Những người không tuân thủ quy định này sẽ bị phạt. Sắc lệnh này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/2/2020.

Tại Nhật Bản, cho đến tối 28/1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã xác nhận 6 trường hợp nhiễm chủng virus 2019-nCoV, trong đó có 4 người đàn ông đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, 1 người Nhật gốc Trung Quốc và 1 người lái xe du lịch.

Đáng chú ý, người lái xe du lịch đang sống ở tỉnh Nara, phía Tây Nhật Bản, chưa từng tới Vũ Hán. Điều này cho thấy có khả năng trường hợp lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra ở Nhật Bản.

Giáo sư Hitoshi Oshitani của Đại học Tohoku nhận định dự báo virus corona có thể sẽ lây nhiễm rộng hơn ở Nhật Bản. Vì vậy, cần phải có các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục