Hiện tượng biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ ở Bắc Cực lên mức cao nhất trong 115 năm qua, khiến lượng băng tại đây tan nhanh hơn dự kiến.
Đó là cảnh báo của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) đưa ra trong báo cáo khoa học hàng năm công bố ngày 15/12.
Theo báo cáo trên, trong giai đoạn từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015, nền nhiệt ở Bắc Cực cao hơn 1,3 độ C so với mức nhiệt trung bình, lên mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu được thu thập vào năm 1900.
Tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhiệt độ tại Bắc Cực đã tăng 3 độ C.
Việc Bắc Cực ấm dần lên đã đẩy nhanh quá trình tan băng tại đây.
Theo các nhà khoa học, thời điểm diện tích băng bao phủ nhiều nhất rơi vào ngày 25/2/2015, sớm hơn khoảng 2 tuần so với mức trung bình, và là diện tính băng bao phủ thấp nhất kể từ năm 1979.
Trong khi đó, diện tích băng bao phủ ít nhất đo được là vào ngày 11/9/2015, ở mức thấp hơn 29% so với mức trung bình và là mức thấp thứ 4 kể từ năm 1979.
Tính trung bình, mỗi thập kỷ, diện tích băng bao phủ thấp nhất ở Bắc Cực đã giảm 13,4% so với giai đoạn 1981-2010.
Diện tích tuyết bao phủ Bắc Cực cũng đang giảm với tốc độ 18% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979. Hiện tượng băng tan nhanh xảy ra mạnh mẽ nhất ở Greenland, với hơn 50% diện tích băng tan chảy từ năm 2012 đến nay.
Cũng theo các nhà khoa học, việc băng tại Bắc Cực tan nhanh hơn đã hủy hoại môi trường sống của loài hải mã và khiến một số loài cá phải di cư lên hướng Bắc. Trong những năm qua, một số lượng lớn hải mã đã phải di cư lên cạn tại khu vực Alaska ở phía Tây Bắc.
Trong khi đó, một số loài cá ở khu vực cận Bắc Cực như cá tuyết, cá bơn... cũng phải di cư tới các vùng nước Bắc Cực.
Xu hướng giảm nhiệt độ tại Bắc Cực bắt đầu từ khoảng 7.000 năm trước và nhiệt độ ở khu vực này đã hạ xuống mức thấp nhất trong giai đoạn "Kỷ băng hà nhỏ" kéo dài từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của xu hướng trên là do hiện tượng chấn động ở quỹ đạo của Trái Đất đẩy vùng Bắc Cực ra xa Mặt Trời trong mùa Hè./.