Nhiều hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày Sài Gòn-Gia Định vinh dự mang tên Bác

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 326 năm thành lập Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh và 48 năm Ngày Sài Gòn-Gia Định chính thức mang tên Bác giới thiệu những thành quả xây dựng và phát triển thành phố.

Đa dạng các khu vực làm đồ chơi dân gian. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Đa dạng các khu vực làm đồ chơi dân gian. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tối 28/6, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động kỷ niệm 326 năm thành lập thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh (1698-2024) và 48 năm Ngày thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976-2/7/2024); các hoạt động tôn vinh vai trò của gia đình trong đời sống xã hội; Ngày hội Văn hóa-Thể thao nông thôn mới cấp thành phố lần thứ 2 năm 2024.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đây là một trong những sự kiện nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc; giới thiệu đến người dân và du khách những thành quả trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, bảo vệ sự bình an, hạnh phúc cho người dân, chung tay cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, gìn giữ bản sắc văn hóa, tôn vinh vai trò của gia đình trong đời sống xã hội...

Sự kiện diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 28/6-2/7 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1) với đa dạng các hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; khu văn hóa nghệ thuật múa rối nước, khu trò chơi dân gian; không gian triển lãm hình ảnh, video clip về Thành phố Hồ Chí Minh; không gian trưng bày những mô hình nông nghiệp hiện đại, những sản phẩm OCOP…

Dịp này, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vinh danh 114 gia đình văn hóa-hạnh phúc tiêu biểu năm 2024.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi gia đình được tuyên dương đều có xuất phát điểm khác nhau, các thế hệ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau nhưng có chung đặc điểm là luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, đoàn kết tham gia các hoạt động vì cộng đồng; nhất là tích cực đồng hành hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát động.

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng gia đình chính là nơi đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của con người. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến.

Vì vậy, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) đã trở thành ngày ghi nhớ và phát huy truyền thống, nề nếp, gia phong; đánh thức mỗi người suy ngẫm sâu sắc và hành động thiết thực hơn để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh; góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục