Niger: Lãnh đạo phe đối lập tuyên bố thắng cử bất chấp kết quả

Ông Mahamane Ousmane, lãnh đạo phe đối lập tại Niger đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bất chấp kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu vòng 2 diễn ra ngày 23/2 vừa qua.
Niger: Lãnh đạo phe đối lập tuyên bố thắng cử bất chấp kết quả ảnh 1Tranh ảnh ủng hộ ông Mahamane Ousmane, lãnh đạo phe đối lập tại Niger. (Ảnh: Daily Sabah)

Ngày 24/2, ông Mahamane Ousmane, lãnh đạo phe đối lập tại Niger đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, bất chấp kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu vòng 2 diễn ra ngày 23/2 vừa qua.

Trong bài diễn văn tại thị trấn Zinder, phía Đông Nam đất nước, ông Ousmane cho biết việc tập hợp kết quả mà phe đối lập có được thông qua đại diện tại các điểm bỏ phiếu cho thấy ông đã chiến thắng với 50,3% số phiếu ủng hộ.

Trước đó, ngày 23/2, Uỷ ban bầu cử độc lập quốc gia Niger (CENI) đã công bố kết quả bỏ phiếu tạm thời của vòng bỏ phiếu thứ 2 bầu cử tổng thống. Theo đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Bazoum đã giành được 55,75% số phiếu bầu, trong khi ông Ousmane chỉ giành được 44,25%.

[Niger bỏ phiếu bầu cử tổng thống trong bối cảnh khủng hoảng an ninh]

Ngay sau thông báo của CENI, đụng độ đã bùng phát giữa những người ủng hộ ông Ousmane và lực lượng chức năng tại thủ đô Niamey. Các nhân chứng cho biết ít nhất một đồn cảnh sát và các cửa hàng thuộc sở hữu của những người được coi là thân cận với chính phủ đã bị cướp phá.

Bạo lực đã tiếp tục diễn ra vào sáng ngày 24/2 (theo giờ địa phương) tại khu vực chợ trung tâm Niamey. Những người biểu tình ném đá và cảnh sát đã đáp trả lại bằng hơi cay. Một trạm xăng đã bị tấn công. Vào buổi chiều ngày 24/2, người biểu tình đã đương đầu với lực lượng an ninh ở thị trấn Kollo, phía Tây Nam đất nước. Truy cập internet đã bị hạn chế đáng kể ở thủ đô và thị trấn Zinder.

Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia Tây Phi này hướng đến sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ kể từ khi Niger độc lập cách đây 60 năm. Cựu Tổng thống Mahamadou Issoufou đã tự nguyện từ chức sau hai nhiệm kỳ 5 năm - một điều hiếm thấy ở châu Phi, nơi các tổng thống thường xuyên kéo dài thời gian nắm quyền thông qua các thay đổi hiến pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục