Trong khi nhiều nhà hát, nhiều địa phương còn đang loay hoay với việc “kéo” khán giả đến với sân khấu, Hải Phòng lại trở thành “điểm sáng” khi có nhiều hoạt động thiết thực, đưa nghệ thuật đến gần công chúng, góp phần quảng bá đến du khách về di tích nghệ thuật của thành phố.
“Kéo” khán giả đến rạp
Cuối tuần về Hải Phòng chơi và thăm bạn, chị Nguyễn Minh Phương, đến từ Hà Nội, được bạn “kéo” đến Nhà hát thành phố Hải Phòng xem công diễn vở chèo “Mưa đỏ."
Chị Minh Phương chia sẻ: “Từ lâu, tôi hầu như không đến các rạp hát để xem biểu diễn, nhưng lần này, tôi thực sự xúc động khi được xem một vở chèo hay như vậy. Quả thực, cảm giác xem trực tiếp tại nhà hát mang đến cho tôi một cảm nhận rất khác biệt, ấn tượng về vở diễn, nhiều lúc tôi có cảm giác như mình đang được sống cùng với các nhân vật trong vở diễn.”
Chị Thu Hạnh, phố Tam Bạc (Hải Phòng), cho biết đây không phải lần đầu tiên chị đến Nhà hát xem biểu diễn trực tiếp. Trước đây, chị thường cùng gia đình đến xem các vở kịch, chèo, cải lương… Nhiều vở là của các nghệ sỹ Hải Phòng biểu diễn, có chương trình là của các đoàn nghệ thuật Trung ương, hoặc ở tỉnh bạn.
[Làm thế nào để thu hút khán giả trẻ đến với sân khấu chèo?]
Chị Thu Hạnh chia sẻ mặc dù nhiều vở diễn được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, nhưng chị và gia đình thích đến Nhà hát để xem trực tiếp, bởi xem tại rạp sẽ thích hơn xem truyền hình rất nhiều.
“Trước đây thỉnh thoảng có vở diễn mới được xem, nhưng gần đây, các chương trình biểu diễn đều đặn hơn, thường là vào cuối tuần, Nhà hát thành phố sẽ có chương trình, tôi và gia đình lại mua vé đến xem. Nhiều khi bạn bè, người thân ở xa đến chơi, tôi cũng mua vé mời đi xem cùng, để mọi người vừa được đến thăm di tích kiến trúc nghệ thuật của Hải Phòng, vừa trải nghiệm xem nghệ thuật trực tiếp trên sân khấu,” chị Thu Hạnh vui vẻ khoe.
Chia sẻ về câu chuyện các vở diễn sân khấu xuất hiện đều đặn vào cuối tuần, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, cho biết sau thành công của đề án “Sân khấu truyền hình” với việc tổ chức biểu diễn và truyền hình trực tiếp, hoặc ghi hình các vở diễn sân khấu để công chiếu trên truyền hình cho đông đảo công chúng thưởng thức, mới đây, Hải Phòng đã triển khai thực hiện kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố.”
Vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, kể từ tháng 7-12/2023, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và Việt Nam, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật, do các đơn vị nghệ thuật của thành phố, các Nhà hát Trung ương, tỉnh, thành phố bạn, các công ty tổ chức sự kiện trong và ngoài thành phố thực hiện, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các sở, ngành, đơn vị của thành phố.
Đặc biệt, các đơn vị đến biểu diễn tại Nhà hát thành phố sẽ được miễn phí hoàn toàn địa điểm.
Bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết thành phố luôn có cơ chế mở, sẵn sàng mời những nghệ sỹ tài năng khắp cả nước tham gia các chương trình. Vừa qua, các đơn vị từ Hà Nội, Nhà hát Chèo Thái Bình đã tới Hải Phòng biểu diễn và đều được miễn phí hoàn toàn địa điểm tại Nhà hát Thành phố…
Điểm sáng nghệ thuật trong nước
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ Nhà hát thành phố Hải Phòng - di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia - là một trong ba nhà hát có kiến trúc Pháp trải qua trăm năm, có vai trò là nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội; là điểm hẹn văn hóa, du lịch đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu giải trí của nhân dân, du khách khi đến thăm thành phố cảng.
Với mong muốn để Nhà hát không chỉ là là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng của thành phố, hay là điểm tham quan du lịch của du khách, nhà hát phải thực sự là nơi trình diễn nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật chất lượng cao, thành phố Hải Phòng đã có nhiều chính sách ưu đãi để tạo cơ hội cho các đoàn nghệ thuật ở địa phương và trên cả nước về biểu diễn, để Nhà hát thành phố luôn sáng đèn, phát huy một cách tốt nhất công năng.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, với tư cách là một thành tố quan trọng của văn hóa, mỗi hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Thành phố cũng chính là một bước phát triển của văn hóa dân tộc.
Kế hoạch "Sáng đèn Nhà hát Thành phố" nhằm làm tốt hơn nữa sứ mệnh trong việc phát huy vai trò của không gian văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, tạo không gian lưu giữ, phát triển, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử; kết nối dòng chảy liên tục trong hành trình sáng tạo văn hóa từ quá khứ đến hiện tại, tương lai; mang lại những giá trị kinh tế bằng những ý tưởng, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa thiết thực.
Kế hoạch cũng khẳng định văn hóa nghệ thuật là một trong những động lực to lớn trực tiếp, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển của con người Việt Nam.
Trên thực tế, lâu nay, câu chuyện làm sao để “kéo” khán giả đến rạp luôn là trăn trở của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là với nghệ thuật truyền thống. Rất nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng cao nhưng vẫn vắng bóng người trẻ đến xem, bởi lẽ họ đang có quá nhiều sự lựa chọn trong thưởng thức các loại hình giải trí.
Các nhà nghiên cứu sân khấu cho rằng câu chuyện giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống còn rất dài, cần có kế hoạch, chính sách đầu tư dài hơi. Bên cạnh sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành…, bản thân các địa phương cũng cần tính toán, chọn lọc và có sự đầu tư thích đáng, để từng bước đưa nghệ thuật truyền thống thoát khỏi tình trạng “khủng hoảng khán giả.”
Đánh giá cao sáng kiến của ngành văn hóa, thể thao Hải Phòng, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, cho rằng kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát Thành phố” của Hải Phòng là chủ trương vô cùng thiết thực, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đồng thời khích lệ, động viên các nghệ sỹ, nhà hát ở Hải Phòng, cũng như tất cả các nghệ sỹ, các nhà hát trên cả nước khi đến biểu diễn tại Hải Phòng, để người dân Hải Phòng và du khách có cơ hội thưởng thức nhiều hơn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, cùng với đề án “Sân khấu truyền hình,” kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố” của Hải Phòng đã giúp cho đời sống hoạt động nghệ thuật của thành phố hoa phượng đỏ trở nên sôi động.
Sân khấu Hải Phòng đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, giới chuyên môn các tỉnh, thành phố đáng giá là một điểm sáng nghệ thuật của cả nước./.