Nước Anh khó đạt thặng dư ngân sách trước năm 2024

Viện Nghiên cứu Ngân sách tài chính cảnh báo mục tiêu đạt thặng dư ngân sách vào giữa thập niên 2020 của Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Philip Hammond có nguy cơ “chệch khỏi đường ray.”
Nước Anh khó đạt thặng dư ngân sách trước năm 2024 ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Ngân sách tài chính (IFS) cảnh báo mục tiêu đạt thặng dư ngân sách vào giữa thập niên 2020 của Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Philip Hammond có nguy cơ “chệch khỏi đường ray,” nếu các cơ quan chính phủ thận trọng trong việc đưa ra dự đoán về tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Theo IFS, bất chấp số nợ của nước Anh trong tháng 9/2017 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, ông Hammond sẽ cần tìm cách tiết kiệm thêm trên 50 tỷ bảng (66 tỷ USD)/năm từ nay đến năm 2021 nếu muốn thực hiện kế hoạch được đưa ra vào tháng 3/2017 nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Carl Emmerson, Phó Giám đốc IFS, cho rằng đây có lẽ là thời điểm để thừa nhận rằng một cam kết về việc đạt thặng dư ngân sách từ giữa thập niên 2020 trở đi sẽ không còn thích hợp nữa và sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã làm tăng thêm những bất ổn kinh tế.

[Tổng sản phẩm quốc nội của Anh tăng trưởng nhẹ trong quý 3]

Văn phòng đảm trách việc giải trình ngân sách của nước Anh (OBR) - cơ quan chính phủ chuyên đưa ra các dự báo về ngân sách - hồi đầu tháng 10 cho hay có thể hạ dự báo tăng trưởng năng suất dài hạn khi đưa ra các dự đoán mới cho dự thảo ngân sách tài khóa tiếp theo của ông Hammond vào ngày 22/11 tới.

Năng suất lao động của Anh đã trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và đã nhiều lần không thể tăng như dự đoán của OBR từ năm 2010. OBR giả định rằng năng suất tiếp tục “dậm chân tại chỗ” thì các khoản vay mượn công được điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế (còn được gọi là nợ “cơ cấu”) sẽ là 69,9 tỷ bảng trong tài khóa 2021-22, tăng 53,1 tỷ bảng so với dự đoán đưa ra hồi tháng 3/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục