Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris, ngày 16/9 đã công bố báo cáo, trong đó dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng 7,2% trong tài khóa hiện nay, thấp hơn chút ít so với dự đoán do Tổ chức này đưa ra trước đây.
Tuy nhiên, theo OECD, Ấn Độ là một trường hợp “ngoại lệ” trong bức tranh đang xấu đi của các nền kinh tế đang nổi lớn.
Báo cáo của OECD cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã yếu đi và trở nên kém rõ ràng trong những tháng gần đây. Cho dù hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay và tài khóa tới, OECD đánh giá Ấn Độ vẫn là nền kinh tế đang nổi tăng trưởng nhanh nhất trong hai năm tới.
OECD dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ đạt 7,2% trong tài khóa 2015 và 7,3% trong tài khóa 2016 so với mức dự đoán tương ứng 7,3% và 7,4% đưa ra hồi tháng Sáu năm nay.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong quý đầu của tài khóa hiện nay (từ tháng 4-6/2015) đã giảm xuống 7% so với mức 7,5% của quý 4 tài khóa trước đó (từ tháng 1-3/2015).
Theo OECD, thương mại thế giới trì trệ và các điều kiện tài chính đã trở nên tồi tệ; kinh tế tại các nước tiên tiến vẫn phục hồi, nhưng triển vọng tại nhiều nền kinh tế thị trường đang nổi đã xấu đi.
Kinh tế Ấn Độ vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2015, các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil và Nga sẽ có một số cải thiện trong năm 2016 nếu giá hàng hóa không tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.
Sự giảm sút nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, nhất là đối với các nền kinh tế đang nổi có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.
OECD cũng hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3% trong năm nay và 3,6% vào năm tới so với mức tương ứng 3,1% và 3,8% do Tổ chức này đưa ra trước đây./.