Phim ‘Ròm’ vi phạm Luật Điện ảnh, không dự Liên hoan phim Busan

Việc đơn vị sản xuất bộ phim ‘Ròm’ tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan khi chưa có Giấy phép phổ biến phim là vi phạm quy định của pháp luật.
"Ròm" sẽ không tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. (Ảnh: HKFilm)
"Ròm" sẽ không tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. (Ảnh: HKFilm)

Liên quan đến thông tin bộ phim “Ròm” (đạo diễn Trần Thanh Huy) không tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 như dự kiến ban đầu, đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bộ phim này chưa được cấp Giấy phép phổ biến phim.

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất đã tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan. Điều này vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, thông tin từ Cục Điện ảnh cho biết, ngày 4/9, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê (đơn vị sản xuất “Ròm”) gửi Phiếu đề nghị cấp Giấy phép Phổ biến phim “Ròm” và bản phim trình duyệt tới Cục Điện (chất liệu phim kỹ thuật số, độ dài 79 phút).

Đến ngày 11/9, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã họp, thẩm định, đánh giá nội dung bộ phim.

Tuy nhiên, vào ngày 5/9, website chính thức của Liên hoan phim quốc tế Busan đã cập nhật danh sách phim truyện dài dự liên hoan phim, trong đó có năm bộ phim của Việt Nam.

Phim “Ròm” (đạo diễn Trần Thanh Huy) có tên trong hạng mục Xu hướng mới (trao giải cho hai tác phẩm là phim đầu tay hoặc phim thứ hai của các đạo diễn châu Á mới). Như vậy, khi chưa có giấy phép phổ biến phim của Cục Điện ảnh, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã gửi thành phẩm tới ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.

[Điện ảnh Việt đến Liên hoan phim Busan: Dấu ấn của các đạo diễn trẻ]

Trong khi đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (năm 2009) quy định rõ: “Phim tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình.”

“Do đó, việc đơn vị sản xuất bộ phim ‘Ròm’ tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan Phim quốc tế Busan khi chưa có Giấy phép phổ biến phim là vi phạm pháp luật hiện hành,” lãnh đạo Cục Điện ảnh khẳng định.

Đến ngày 21/9, lãnh đạo Cục, đại diện Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã có buổi làm việc với đại diện đơn vị sản xuất và đạo diễn bộ phim “Ròm.” 

Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã cam kết không gửi bộ phim “Ròm” tham dự Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019 dưới mọi hình thức, đồng thời xin phép được chỉnh sửa và trình duyệt lại để được cấp Giấy phép Phổ biến bộ phim.

Ngày 23/9, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã gửi thư xin rút phim “Ròm,” không tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019 tới Giám đốc Liên hoan phim. Trước đó, ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Busan dự kiến trình chiếu phim “Ròm” vào ngày 4/10.

Phim ‘Ròm’ vi phạm Luật Điện ảnh, không dự Liên hoan phim Busan ảnh 1Hình ảnh trong phim "Ròm." (Ảnh: HKFilm)

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê giải trình về việc người có quốc tịch nước ngoài tham gia sản xuất phim mà không thực hiện giám định kịch bản (theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/9/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh).

“Ròm” được phát triển từ phim ngắn “16h30” (từng được trình chiếu tại hạng mục Góc phim ngắn - Liên hoan phim Cannes 2013) của chính đạo diễn Trần Thanh Huy. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống, số phận của những đứa trẻ đường phố, vô gia cư, chuyên đi bán kết quả sổ xố mỗi chiều. Nhân vật chính mang ước mơ kiếm đủ tiền để đi tìm mẹ ruột.

Như vậy, tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24, điện ảnh Việt Nam có bốn phim truyện dài tham gia tranh tài: “Thưa mẹ con đi” (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Anh trai yêu quái” (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), “Bắc kim thang” (đạo diễn Trần Hữu Tấn) và “Bí mật của gió” (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình).

Ngoài ra, Việt Nam cũng có hai phim ngắn tham dự (“Ngọt, mặn” - đạo diễn Dương Diệu Linh, “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” - đạo diễn Phạm Thiên Ân) và ba dự án tham gia Chợ phim (trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan 2019).

Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24 (năm 2019) sẽ diễn ra từ ngày 3-12/10 tại thành phố Busan (Hàn Quốc). Đây là một trong những liên hoan phim có uy tín hàng đầu châu Á.

Kể từ khi được sáng lập (1996), mỗi năm, Liên hoan phim quốc tế Busan giới thiệu khoảng 300 bộ phim được tuyển chọn kỹ lưỡng, phản ánh bức tranh toàn cảnh của điện ảnh châu Á đương đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục