Quan hệ Pháp-Australia: Khi lòng tin chiến lược được khôi phục

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đều cho rằng việc xây dựng lại mối quan hệ này nên là một ưu tiên và 2 nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau trong thời gian tới.
Quan hệ Pháp-Australia: Khi lòng tin chiến lược được khôi phục ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Nguồn: smh.com.au)

Thông báo về quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) vào tháng 9/2021 đã đặt dấu chấm hết cho chương trình tàu ngầm lớp Attack trị giá 90 tỷ AUD do Pháp và Australia đàm phán năm 2016 và châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa 2 quốc gia.

Chín tháng sau thông báo AUKUS, cuộc thăm dò ý kiến hàng năm của Viện Lowy về các vấn đề chính sách đối ngoại đã tạo cơ hội để kiểm tra tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao này đối với mối quan hệ Pháp-Australia.

Bài phân tích của Eglantine Staunton, giảng viên Cao cấp tại Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Coral Bell về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia - đăng trên trang mạng của viện nghiên cứu Lowy ngày 30/6 đưa ra một số đánh giá về vấn đề này.

Ai là người chịu trách nhiệm cho mối quan hệ căng thẳng?

Trong những tháng sau thông báo của AUKUS, một cuộc khẩu chiến giữa Pháp và Australia đã diễn ra trên các phương tiện truyền thông về việc ai là người chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của thỏa thuận và sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước.

Câu hỏi được đặt ra là bên nào đã chiến thắng trong cuộc chiến dư luận này. Và câu trả lời ngắn gọn là không bên nào chiến thắng. Theo khảo sát của Lowy, “khoảng một nửa số người Australia (49%) nói rằng cả 2 quốc gia đều phải chịu trách nhiệm như nhau về những căng thẳng trong mối quan hệ Australia-Pháp.”

Nhiều người đã thừa nhận rằng việc Australia "mượn lời" của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về AUKUS là “vụng về,” nhưng Pháp cũng đã phản ứng thái quá bằng cách triệu hồi đại sứ của mình tại Australia trong khi từ chối “tiến lên phía trước.”

Kết quả này cung cấp một cơ sở khá trung lập để khép lại giai đoạn khó khăn ngắn của mối quan hệ gắn bó hàng thế kỷ Pháp-Australia và để “nhìn về tương lai” như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã nói. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đều cho rằng việc xây dựng lại mối quan hệ này nên là một ưu tiên và 2 nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau trong tuần này.

Quan hệ đối tác được làm mới dựa trên lợi ích chung

Ngoài thực tế rõ ràng rằng Pháp và Australia là đối tác tự nhiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì xét cho cùng 2 nước là những quốc gia gần gũi và chia sẻ các giá trị và lịch sử, cuộc thăm dò của Viện Lowy đã nhấn mạnh 2 lợi ích chung có thể được sử dụng như cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác Pháp-Australia:

Đầu tiên là cách ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Như cuộc thăm dò đã xác định, đây là mối quan tâm chính của Australia và cũng được Pháp chia sẻ.

[Quan chức Pháp lạc quan về việc khôi phục quan hệ với Australia]

Trong quá khứ, Tổng thống Macron và cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gián tiếp mâu thuẫn về cách tiếp cận đối phó với Trung Quốc. Tổng thống Macron thực sự đã thúc đẩy ý tưởng rằng Trung Quốc là “một đối tác, đối thủ cạnh tranh và một đối thủ toàn toàn diện,” nhưng cựu Thủ tướng Morrison lại cho rằng Trung Quốc là một đối thủ.

Trong khi tân Thủ tướng Albanese và chính phủ của ông đã xác nhận sẽ tiếp tục cam kết với AUKUS (và Nhóm Bộ tứ), các tuyên bố gần đây của họ về Trung Quốc cũng cho thấy Australia và Pháp có thể hợp tác hơn nữa vì cách tiếp cận của họ phù hợp hơn so với quan điểm của ông Morrison.

Như Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles giải thích, trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng với Trung Quốc, “Australia coi trọng mối quan hệ hữu ích với Trung Quốc.” Do đó, hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Australia và Pháp có thể góp phần tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực.

Mối quan tâm thứ hai là biến đổi khí hậu. Như cuộc thăm dò của Viện Lowy giải thích, có tới 6/10 người Australia xác định hiện tượng nóng lên toàn cầu là “một vấn đề nghiêm trọng và cấp bách.” Vấn đề này cũng là một ưu tiên của chính phủ Macron. Các nhà ngoại giao Pháp như Jean-Pierre Thébault đã lập luận rằng quan điểm của chính phủ Albanese về biến đổi khí hậu là "thực sự là một yếu tố thay đổi cuộc chơi.”

Những lợi ích chung như vậy và những cơ hội mang lại đã được các nhà lãnh đạo Australia và Pháp thừa nhận, cam kết trong cuộc trao đổi đầu tiên “để xây dựng lại mối quan hệ song phương và để cùng nhau vượt qua những thách thức toàn cầu, trong đó tình trạng khẩn cấp về khí hậu và những thách thức chiến lược trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là quan trọng nhất.

Sự tin tưởng - nền tảng vững chắc cho sự hợp tác mới

Ngoài những lợi ích được chia sẻ giữa Australia và Pháp, cuộc thăm dò của Viện Lowy đã chỉ ra một yếu tố thậm chí còn quan trọng hơn sẽ chứng tỏ điều cần thiết để xây dựng lại mối quan hệ: Sự tin tưởng. Khoảng 8/10 người Australia tin tưởng Pháp hành động có trách nhiệm trên thế giới, một con số không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng xung quanh AUKUS và vẫn ổn định từ năm 2018. Ngoài ra, 67% người Australia bày tỏ sự tin tưởng đối với Tổng thống Macron (so với 59% cho Thủ tướng Anh Boris Johnson và 58% cho Tổng thống Biden).

Về phía Pháp, sau tuyên bố AUKUS, các nhà ngoại giao Pháp liên tục lập luận rằng cuộc khủng hoảng này là do "sự tổn hại lớn tới niềm tin." Trong những tháng sau thông báo của AUKUS, một câu hỏi vẫn được đặt ra: “Về cơ bản đây có phải là sự đổ vỡ lòng tin giữa Australia và Pháp không? Hay chỉ là giữa Thủ tướng Morrison và Tổng thống Macron?.”

Ngoài những hàm ý đối với mối quan hệ của Pháp và Australia, giai đoạn căng thẳng ngắn giữa Pháp và Australia nhắc nhở về tầm quan trọng của sự tin cậy trong quan hệ quốc tế và bắt đầu đưa ra câu trả lời về cách thức hoạt động của lòng tin và cách các nhà lãnh đạo có thể “làm gương cho sự tin cậy và đáng tin cậy của một quốc gia”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục