Từ ngày 12-14/10 sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2015-2020. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc về những thành tích nổi bật của nhiệm kỳ qua, cũng như mục tiêu mà Quảng Ninh đang hướng tới trong nhiệm kỳ mới.
- Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ 14 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12-14/10, xin ông cho biết đến nay, các văn kiện và công tác nhân sự của Đại hội đã được chuẩn bị như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đọc: Tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung cao, chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội tại 785/785 chi bộ, đảng bộ cơ sở; 20/20 đảng bộ cấp trên cơ sở gắn với triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện tinh giản biên chế.”
Tại đại hội các đảng bộ đã có nhiều đổi mới, chuẩn bị chu đáo văn kiện; dành nhiều thời gian thảo luận văn kiện; gần 80% các đại hội cấp cơ sở thực hiện thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và 17/20 đảng bộ cấp trên cơ sở bầu trực tiếp bí thư.
Các đại hội đã diễn ra dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, đúng với các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và Điều lệ Đảng.
Từ kết quả Đại hội đảng các cấp, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được tập trung chỉ đạo và triển khai tích cực. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo Tiểu ban văn kiện xây dựng đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết và biên tập các dự thảo báo cáo trình Đại hội. Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và cho ý kiến tổng số 12 lượt.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức tốt công tác thảo luận tham gia ý kiến vào Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 tại các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở; lấy ý kiến quần chúng nhân dân, các đồng chí lãnh thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh, giới văn, nghệ sỹ, trí thức, các nhà khoa học...
Toàn tỉnh đã tổ chức 2.455 hội nghị với 30.950 lượt ý kiến tham gia vào các văn kiện Trung ương, tỉnh và cấp huyện. Sau khi tổng hợp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận được 1.397 ý kiến tham gia.
Các ý kiến tham gia đều rất tâm huyết, trách nhiệm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện và xin ý kiến 10 bộ, ban, ngành Trung ương; đồng thời trình Bộ Chính trị phê duyệt. Đến nay, các báo cáo, văn bản của Đại hội đã được hoàn thiện và sẵn sàng cho Đại hội.
Cùng với Báo cáo chính trị, Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa 13, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh còn có các báo cáo phụ lục như Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới, Báo cáo triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, và các biểu số liệu khác...
Có thể nói, công tác chuẩn bị Văn kiện Đại hội đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, khoa học, phát huy được dân chủ, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Về công tác nhân sự Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, quy định của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ, đặt ra tiêu chuẩn cho cấp ủy khóa mới phải: “Có tư duy chính trị nhạy bén, tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt; khả năng tiếp cận, nắm bắt, phát hiện, xử lý có hiệu quả những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ chuyên môn được phân công phụ trách.
Có khả năng tổ chức thực hiện đúng đắn, hiệu quả các chủ trương, quyết định của cấp trên và của tập thể lãnh đạo (được đánh giá bằng những kết quả, sản phẩm có định lượng cụ thể). Có phong cách, phương pháp khoa học, dân chủ, công tâm, khách quan; sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài.”
Trên cơ sở định hướng trên đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể như rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy; kiện toàn các chức danh còn khuyết, thiếu; luân chuyển, sắp xếp cán bộ trước Đại hội 26 đồng chí, trong đó 06 đồng chí bí thư cấp ủy, 05 đồng chí chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, 07 lãnh đạo cấp sở, ngành, đoàn thể tỉnh; tiến hành thẩm định về các tiêu chuẩn đối với cấp ủy.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xây dựng dự thảo Đề án nhân sự xin ý kiến tại đại hội các đảng bộ cấp trên cơ sở. Đến nay, Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới và các tài liệu liên quan đã được chuẩn bị hoàn thiện. Tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, thành phần, đặc biệt là tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, dân tộc thiểu số, tỷ lệ đổi mới trong Ban Chấp hành đều đảm bảo theo đúng quy định của Trung ương.
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua?
Ông Nguyễn Văn Đọc: Nhiệm kỳ qua, mặc dù thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đã được duy trì ở mức bình quân đạt 9,2%/năm, là mức cao so với mặt bằng chung cả nước. Quy mô kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng lên, đạt trên 100 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 3.900 USD, bằng 1,76 lần so với năm 2010 và gấp 1,77 lần so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010 và luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách.
Ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đề ra đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các công trình động lực được quan tâm đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển.
Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo, đặc biệt là đã đưa điện lưới ra đảo Cô Tô ; hoàn thành cải tạo, nâng cấp các đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long-Uông Bí; Quốc lộ 18C đoạn Tiên Yên-Hoành Mô; công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh...
Việc xây dựng hoàn thiện thể chế đã được tỉnh tích cực, chủ động thực hiện thông qua việc nghiên cứu, trình Trung ương nhiều đề án lớn về kinh tế-xã hội. Cải cách hành chính được đặc biệt coi trọng và có sự tiến bộ vượt bậc, riêng năm 2014 chỉ số cải cách hành chính tăng 9 bậc so với năm 2013. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được quan tâm tích cực.
Cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng bền vững. Môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhiều năm được duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay. Cơ cấu đầu tư chuyển biến tích cực theo hướng thu hút và phát huy có hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước.
Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 220.000 tỷ đồng , tăng 1,6 lần so nhiệm kỳ trước. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, là một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước với 01 huyện đạt chuẩn và 79/115 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với bình quân chung của cả nước như tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, số giường bệnh, số bác sỹ trên 1 vạn dân ...
Lĩnh vực phát triển con người, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội được quan tâm tích cực. Trong 5 năm, tỉnh đã chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội 4.690 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2005-2010. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,68% đầu nhiệm kỳ đến nay còn 1,55%.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Là địa phương luôn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, song tỉnh Quảng Ninh đã luôn chủ động giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hoạt động đối ngoại đạt kết quả tích cực, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được thực hiện nghiêm túc gắn chặt với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tỉnh đã tập trung mạnh đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; quyết liệt trong tinh giản tổ chức, biên chế. Mạnh dạn đi đầu cả nước trong việc thí điểm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển; triển khai rộng rãi việc bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy tại đại hội cấp cơ sở và bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại các đảng bộ cấp huyện.
Thông qua đó, mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, tạo không khí mới, phấn khởi, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đại biểu dự đại hội và các đồng chí trúng cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư khóa mới.
Những kết quả trên đây thể hiện sự nỗ lực, sự chủ động, sáng tạo rất cao của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là một trong những cực tăng trưởng của các tỉnh Bắc Bộ và góp phần quan trọng vào hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2010-2015.
- Thưa ông, những mục tiêu, phương hướng trong nhiệm kỳ tới và những giải pháp thực hiện mà Đại hội đề ra là gì?
Ông Nguyễn Văn Đọc: Trong những năm tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có nhiều thời cơ, thuận lợi, song bên cạnh đó cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bối cảnh cụ thể, nhiệm kỳ tới, tỉnh Quảng Ninh đề ra phương hướng nhiệm vụ là phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.
Tỉnh phấn đấu là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, giảm nghèo bền vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Môi trường sinh thái được bảo vệ và cải thiện rõ rệt; bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc được gìn giữ và phát huy; các giá trị của Di sản-Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử được bảo tồn và phát huy bền vững.
Đồng thời, tỉnh đề ra hệ thống gồm 17 chỉ tiêu phấn đấu, trong đó một số chỉ tiêu lớn như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11-12%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.000-8.000 USD; thu ngân sách nội địa tăng tối thiểu 10%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 84%-89%; số bác sỹ/1 vạn dân đạt trên 12 bác sỹ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%/năm (theo tiêu chí mới).
Tỷ lệ che phủ rừng 54%-55%. Số tổ chức cở sở đảng được đánh giá chất lượng trong sạch, vững mạnh đạt 50% ; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 75% trở lên; kết nạp đảng viên từ 4-5%...
Về giải pháp, Dự thảo Nghị quyết tập trung ba nhóm giải pháp chính. Một là, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh, phúc lợi và tiến bộ, công bằng xã hội. Tập trung cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh, phúc lợi và công bằng, tiến bộ xã hội; chú trọng phát triển văn hóa, thể thao; xây dựng con người Quảng Ninh văn minh, thân thiện, năng động; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hai là, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ đối ngoại: Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là khu vực cửa khẩu, vành đai, biên giới, biển đảo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Ba là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy dân chủ đi đôi với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đảng viên.
Đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong việc ban hành chủ trương, chính sách. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tuyên truyền và tính chiến đấu, tính thuyết phục trong công tác tư tưởng. Đổi mới công tác tổ chức và cán bộ. Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đ ổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp tục đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh phòng ngừa và kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, lãng phí./.