Quê hương Mùa đoàn tụ - Chương trình đặc biệt đón Giao thừa của VTV

“Quê hương Mùa đoàn tụ” hội tụ các gương mặt danh tiếng nhất của Việt Nam trong và ngoài nước, thể hiện ý nghĩa lớn lao nhất của ngày Tết truyền thống-sum họp bên gia đình, trở về quê hương.
Quê hương Mùa đoàn tụ - Chương trình đặc biệt đón Giao thừa của VTV ảnh 1Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn chơi đàn cùng học trò Đăng Quang, con trai Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Lam. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng đối với mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam, vì vậy, chương trình truyền hình đón Giao thừa luôn mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được khán giả mong chờ.

Từ năm 2020, cùng với sự thay đổi format của chương trình "Gặp nhau cuối năm," Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu giới thiệu chương trình nghệ thuật “Quê hương Mùa đoàn tụ.”

Đây là format hoàn toàn mới lần đầu tiên lên sóng vào 21 giờ 50 phút trên kênh VTV ngày 24/01 (30 Tết).

Phần cầu truyền hình đón Năm mới được truyền hình trực tiếp lúc 23 giờ 40 và kéo dài tới 0 giờ 30 phút ngày mùng 1 Tết.

['Gặp nhau cuối năm' xuân Canh Tý 2020 ra mắt format mới]

Chương trình “Quê hương Mùa đoàn tụ” hội tụ các gương mặt danh tiếng nhất của Việt Nam trong và ngoài nước, thể hiện ý nghĩa lớn lao nhất của ngày Tết truyền thống-sum họp bên gia đình, trở về với quê hương, đánh thức mối giao cảm nguồn cội.

Ở đêm Giao thừa 2020, những tinh hoa người Việt nhiều thế hệ sẽ cùng tỏa sáng trên sàn diễn lớn của Đại nhạc hội - một không gian trình diễn nghệ thuật mới mẻ, rực rỡ và một trường quay lớn ấm cúng, nơi hội ngộ của các khách mời hiếm có của VTV với khán giả.

Phần 1 - “Chuyện cổ tích của người Việt" của chương trình kể về những nhân vật, câu chuyện đầy tự hào về người Việt Nam.

Đó là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận văn Tiến sĩ tại đại học Sorbornne-Paris, Pháp vào năm 1934.

Là câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha (Tiệp Khắc) - bà Thái Thị Liên, Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano trường Âm nhạc Việt Nam; tình yêu âm nhạc đã được bà truyền sang những người con, trong đó có nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn.

Là câu chuyện về 100 năm danh họa Bùi Xuân Phái cùng những bức tranh nổi tiếng về Hà Nội.

Là câu chuyện về người con của giáo sư Lê Thành Khôi - nghệ sỹ Nguyên Lê trở thành người đi đầu trong việc kết hợp jazz với âm nhạc truyền thống.

Phần 2 của chương trình có tên gọi “Những ước mơ vươn xa của người Việt” mang tới những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với Trung tướng Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các nghệ sỹ góp phần đưa văn hóa Việt bước ra thế giới, như Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly, đạo diễn Tuấn Lê... Trong đó, có câu chuyện của nhà thiết kế Công Trí với hành trình hai thập kỷ đắm mình trong thế giới thời trang, gắn Việt Nam trên bản đồ thời trang quốc tế.

Điểm nhấn của chương trình “Quê hương Mùa đoàn tụ” là những cuộc hội ngộ ấm áp, bất ngờ của các khách mời đặc biệt. Êkíp thực hiện đã cất công mời những vị khách đến từ rất xa: Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn trở về từ Canada.

Song hành cùng những câu chuyện ý nghĩa là chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu và sự xuất hiện của các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Đó là những giai điệu hát ru qua bàn tay tài hoa của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn cùng học trò Đăng Quang; dấu ấn đậm nét của bộ ba diva: Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Lam, Trần Thu Hà, Mỹ Linh; nghệ sỹ Nguyên Lê cùng nhóm Ngô Hồng Quang-Đức Minh- Hoàng Anh; hoạt cảnh, xiếc múa, ballet, thời trang...

Những thước phim nghệ thuật công phu chuyên chở những câu chuyện ý nghĩa về khát vọng lớn lao của đất nước, về một thế kỷ vươn lên của người Việt sẽ được lồng ghép đan xen trong không gian tưng bừng của đêm cuối năm.

Bằng lăng kính nghệ thuật và những phần chuyện trò ấm áp, sâu lắng, mỗi khán giả sẽ cảm thấy tự hào về quê hương, nguồn cội, rung động trước giá trị Việt thiêng liêng, trào dâng niềm hạnh phúc của Mùa đoàn tụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục