Ra mắt sách hướng dẫn về nghệ thuật viết kịch bản truyền hình

Cuốn sách là tác phẩm chuyên khảo hiếm hoi về ngành truyền hình và làm phim truyện truyền hình tại Việt Nam, hữu ích cho độc giả quan tâm đến việc viết kịch bản cho phim truyện truyền hình.
Ra mắt sách hướng dẫn về nghệ thuật viết kịch bản truyền hình ảnh 1Sách chuyên khảo ''Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình'' của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Phó giáo sư, Tiến sỹ Nghệ thuật học Đỗ Lệnh Hùng Tú vừa ra mắt sách chuyên khảo "Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình" tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chiều ngày 24/2.

Cuốn sách dài 640 trang, được ấp ủ và thực hiện trong 6 năm, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của tác giả ở nhiều lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh cùng nhiều nguồn khác. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú hy vọng cuốn sách sẽ mang đến một nguồn tham khảo hữu ích cho học viên, giảng viên, sinh viên và người làm nghề.

Cuốn sách có 6 chương, trong đó chương đầu tiên nói về sự ra đời-phát triển của truyền hình, phim truyền hình và làm rõ các khái niệm; chương hai là nhận diện các đặc trưng của phim truyền hình, vị thế của phim truyền hình trong truyền thông; chương ba là về hành trình sáng tác một kịch bản phim truyện truyền hình trong đó đề cập các kinh nghiệm làm việc với đạo diễn, nhà văn; chương 4 về nghệ thuật của lời thoại trong kịch bản phim truyện truyền hình. Từ chương 5, cuốn sách mang đến các bài tập ứng dụng và chương 6 tập trung vào giải đáp nhiều thắc mắc thường gặp của học viên trong suốt quá trình giảng dạy của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú.

[Trao cơ hội cho gương mặt trẻ để thổi làn gió mới vào phim truyền hình]

Theo Nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã, nghề biên kịch truyền hình Việt Nam đang phát triển một cách rất tự nhiên mà chưa được khái quát, lý luận, tổng kết lại, vì vậy cuốn sách là một sự động viên rất lớn bởi đây được coi như cuốn chuyên khảo đầu tiên tại Việt Nam về nghề truyền hình và làm phim truyền hình, đặc biệt ở góc độ viết kịch bản.

Bà Nhã đánh giá cuốn sách cũng có sự tham khảo dày dặn khi so sánh giữa Việt Nam và nhiều nền truyền hình khác trên thế giới một cách kỹ tính và thận trọng. Tuy nhiên, bà cũng nhận xét cuốn sách mới chỉ dừng ở việc "đánh xới" các vấn đề để so sánh và hy vọng các nội dung sẽ tiếp tục được hoàn thiện sau này.

Trong khi đó, Nhà văn, Tiến sỹ Lê Ngọc Minh nhận xét đây là một cuốn sách đáng đọc nhờ các kiến thức phong phú đa chiều về nguồn gốc và quá trình phát triển của ngành truyền hình-phim truyền hình, cần thiết cho người yêu thích và đang làm nghề viết kịch bản./.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú sinh năm 1957 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1976 và có thời gian làm việc tại Xưởng thiết kế mỹ thuật Hãng phim truyện Việt Nam. Từ năm 1979-1985, ông theo học thiết kế mỹ thuật ở Liên Xô, sau đó tốt nghiệp bậc thạc sỹ, tiến sỹ Nghệ thuật học tại Việt Nam.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú được biết đến qua vai trò họa sỹ chính của một số phim như "Nụ hôn đầu đời" (1996), "Lời tạ từ trong mưa" (2004)... đồng thời là tác giả kịch bản phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình, trong đó ở lĩnh vực truyền hình có phim "Đảo ngọt" (trên kênh VTV8, 2014). Ông tham gia công tác giảng dạy ở lĩnh vực mỹ thuật, truyền hình, điện ảnh từ 1996. Từ năm 2021, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú giữ chức chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục