Rà soát sự chồng chéo pháp luật tác động đến sản xuất, kinh doanh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 17/9, tiếp tục Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Rà soát sự chồng chéo về pháp luật trong 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nhà nước quản lý, điểm nổi bật trong năm 2020 là căn cứ yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (vào cuối năm 2019), Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực với phạm vi rà soát rất rộng, bao gồm lĩnh vực quản lý nhà nước của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ.

Tổng số văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát là rất lớn, gồm 8.779 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến hết ngày 30/6 vừa qua, còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan từ cấp bộ trở lên, qua đó đã phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được các cơ quan chức năng rà soát tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; quy định pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó là các quy định về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; quy định về kiểm tra chuyên ngành; quy định về bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế.

"Qua rà soát cũng cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ.

[Năm 2021, tiếp tục giảm 20.076 biên chế do Chính phủ quản lý]

Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất…," Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ cho biết.

Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tính từ ngày 16/8/2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 103 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Hiện đã ban hành được 71 văn bản, còn 32/103 văn bản nợ chưa ban hành.

Thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, từ ngày 16/8/2019 đến ngày 15/8/2020, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các thông tư là văn bản quy định chi tiết, kết quả bước đầu chưa phát hiện nội dung trái pháp luật…

Xử lý nghiêm khắc tình trạng nợ văn bản

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh được Chính phủ chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ Kỳ họp thứ 8 đến nay, Quốc hội đã thông qua 32 luật, nghị quyết, trong đó có 26 dự thảo luật, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.

Đã có thêm 3 dự án luật thuộc danh mục cần ban hành theo Nghị quyết số 718 được đưa vào Chương trình năm 2020. Tuy nhiên, tính đến tháng Tám vừa qua, vẫn còn 18 dự án luật trong danh mục nói trên chưa có kế hoạch triển khai xây dựng cụ thể, trong đó có 16 dự án luật được phân công cho Chính phủ chủ trì.

Bên cạnh đó, một số hạn chế vẫn chậm được khắc phục, nhất là việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn kéo dài trong nhiều năm. Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này.

Để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thông tin báo cáo được cập nhật, chính xác, toàn diện, khách quan, chỉ đưa vào báo cáo những nội dung được xác định là thực sự có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn và đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo của Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục