Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng dầu thô lên hơn 10 triệu thùng mỗi ngày

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã đến thăm “đại gia” dầu mỏ Aramco và yêu cầu tập đoàn này tăng cường nguồn cung sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ hiện tại kết thúc.
Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng dầu thô lên hơn 10 triệu thùng mỗi ngày ảnh 1Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/3, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu số một thế giới, đã công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên trên mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020, giữa bối cảnh thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ chính thức hết hạn cuối tháng Ba này.

Hôm 7/3, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã đến thăm “đại gia” dầu mỏ Aramco và yêu cầu tập đoàn này tăng cường nguồn cung sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ hiện tại kết thúc.

Thông điệp từ Bộ trưởng Năng lượng Saudi cho hay Aramco nên tối đa hóa sản lượng để bảo vệ thị phần của mình.

[Dịch COVID-19 sẽ còn "đè nặng" lên nhu cầu năng lượng thế giới]

Cũng trong ngày 7/3, Aramco đã giảm giá bán chính thức (OSP) trong tháng Tư đối với tất cả các loại dầu thô. Ngoài ra, sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng tới sẽ cao hơn đáng kể so với mức 10 triệu thùng/ngày và thậm chí có thể tiến gần tới ngưỡng 11 triệu thùng/ngày.

Hiện nay, Saudi Arabia đang bơm tổng cộng 9,7 triệu thùng/ngày, trong khi công suất sản xuất dầu của nước này là 12 triệu thùng/ngày.

Thỏa thuận ba năm giữa OPEC và Nga đã kết thúc vào ngày 6/3, sau khi Moskva từ chối tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn nữa để đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19. Điều này đã khiến OPEC đáp trả bằng cách dỡ bỏ mọi giới hạn sản xuất của mình.

Giá dầu đã giảm 10% khi động thái của các bên đã làm "hồi sinh" nỗi lo về sự sụp đổ giá dầu hồi năm 2014, khi Saudi Arabia và Nga cạnh tranh để giành thị phần với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vốn chưa bao giờ tham gia vào các thỏa thuận hạn chế sản lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục