Siemens công bố báo cáo về năng lượng bền vững tại Việt Nam

Bản báo cáo của Siemens nêu bật vai trò của khu vực tư nhân trong việc giải quyết thách thức từ sự chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Siemens công bố báo cáo về năng lượng bền vững tại Việt Nam ảnh 1Các diễn giả tại buổi tọa đàm. (Nguồn: Siemens)

Bản báo cáo “ASEAN với vấn đề biến đổi khí hậu: Tiêu điểm về năng lượng bền vững tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam" do nhóm Economist Corporate Network thực hiện và Siemens tài trợ đã được ra mắt tại Hà Nội ngày 30/9.

Bản báo cáo vạch ra các bối cảnh chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu tại ba nền kinh tế chính của khu vực ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, đồng thời nêu bật vai trò của khu vực tư nhân trong việc giải quyết thách thức từ sự chuyển dịch sang năng lượng sạch.

Qua các khảo sát trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp, bản báo cáo tổng hợp và đối chiếu các quan điểm từ nhiều thành phần đang trực tiếp tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng cũng như xây dựng chính sách từ khu vực công và tư thuộc Đông Nam Á.

Bản báo cáo được thực hiện không chỉ nhằm đánh giá quan điểm của các bên liên quan về chính sách khí hậu trong khu vực mà còn đánh giá vai trò của khu vực tư nhân trong đó.

Kết quả nghiên cứu tái khẳng định một thực tế là nhu cầu năng lượng tại 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN tiếp tục gia tăng và hậu quả là lượng phát thải đang tăng lên nhanh chóng. Sự tham gia chủ động từ các thành phần bên ngoài chính phủ và sự hợp tác tích cực giữa chính phủ và các công ty tư nhân được xem là nhân tố chính dẫn tới sự thành công của việc giảm phát thải trong khu vực.

64% người tham gia khảo sát cho rằng việc thúc đẩy năng lượng tái tạo chính là cách hiệu quả nhất để giảm phát thải trong hệ thống năng lượng trong khi 40% phản hồi rằng họ mong đợi lĩnh vực tư nhân sẽ đóng vai trò chính yếu trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, lượng phát thải đã và đang gia tăng nhanh chóng trong thập kỷ vừa qua. Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ năm 2006 đến 2015, lượng phát thải liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đã tăng thêm 10% trung bình mỗi năm do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và tiêu thụ năng lượng.

Bản “Những đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định“ của Việt Nam bao gồm cả hai yếu tố giảm nhẹ và thích ứng. Với sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam cam kết cắt giảm 25% lượng khí thải trong điều kiện kinh doanh bình thường vào năm 2030. Nghiên cứu cho thấy khả năng Việt Nam có thể thực hiện được cam kết này còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thu hút lượng đầu tư tương xứng từ khu vực tư nhân.

Cũng tại buổi ra mắt báo cáo, một cuộc tọa đàm về chủ đề Việt Nam làm cách nào để đảm bảo sự ổn định phát triển kinh tế và an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy hệ thống năng lượng ít carbon và vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này, cũng đã diễn ra.

Với cùng quan điểm nêu ra trong bản báo cáo, tại buổi tọa đàm 5 diễn giả bao gồm tiến sỹ Phạm Thái Lai, Chủ tịch và Tổng giám đốc Siemens Việt Nam; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu kiêm Phó trưởng ban công tác đàm phán biến đổi khí hậu Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Ninh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; ông Franz Gerner, Trưởng ban Kinh tế Năng lượng của Ngân hàng Thế giới và tiến sỹ Andy Staples, Giám đốc của Economist Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á, đã cùng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“Tại Siemens, chúng tôi tin rằng khu vực tư nhân có trách nhiệm ngang như chính phủ, thậm chí có thể hơn, trong việc chủ động tham gia vào các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ đắc lực trong việc chuyển giao sang nền kinh tế ít phát thải và thân thiện với môi trường. Với vị trí là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ về cơ sở hạ tầng, chúng tôi tin rằng các thách thức gây ra bởi biến đổi khí hậu đều có thể được giải quyết phần nào bằng công nghệ, và rất nhiều trong số các giải pháp công nghệ đó hiện đã sẵn có,” tiến sỹ Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam phát biểu.

"Siemens cam kết tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty công nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt dấu chân carbon trung tính vào năm 2030. Công ty đã đề ra kế hoạch cắt giảm phát thải khí carbon dioxide (CO2) xuống còn một nửa vào đầu năm 2020. Để thực hiện được điều này Siemens sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ euro trong vòng 3 năm tới nhằm giảm thiểu dấu chân năng lượng tại các cơ sở sản xuất và văn phòng của Siemens trên toàn cầu," ông Lai nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục