Theo thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm của ôtô từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tháng Tư vừa qua, máy chủ của đơn vị này đã theo dõi và phát hiện được hơn 19.800 phương tiện vi phạm về tốc độ, tăng hơn 7.000 phương tiện vi phạm so với tháng Ba khi bắt đầu đưa hệ thống này vào hoạt động.
Cụ thể, số liệu thống kê từ Tổng cục Đường bộ cho thấy, tính đến hết tháng Tư, số phương tiện đã truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về máy chủ tại Tổng cục Đường bộ là 50.364 phương tiện. Tổng số lần vi phạm quá tốc độ của phương tiện trên toàn quốc là 1.130.388 lần. Trong đó, 10 địa phương có số lần vi phạm tốc độ nhiều nhất lần lượt gồm Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 500.000 lượt), Hà Nội (trên 60.000), Đà Nẵng (trên 41.000), Bình Thuận (trên 43.000), Thanh Hóa (gần 40.000)…
Cũng trong tháng Tư, vi phạm về thời gian lái xe cũng khá phổ biến với gần 7.950 lần lái xe vi phạm chạy liên tục quá 4 giờ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng vi phạm cao nhất với hơn 2.400 lần, Đà Nẵng 426 lần. Đặc biệt, có tới gần 2.000 lần vi phạm về thời gian làm việc của lái xe liên tục quá 10 giờ trong ngày.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố thực hiện nhắc nhở, họp kiểm điểm, ký cam kết không vi phạm tốc độ và thời gian lái xe, xử lý vi phạm theo quy định đối với các đơn vị vận tải có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ ở mức cao đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh việc quản lý lái xe tại các đơn vị vận tải.
Để đảm bảo dữ liệu từ thiết bị được truyền đầy đủ, chính xác và liên tục về máy chủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với dữ liệu hiện Sở đang quản lý. Trên cơ sở đó, các Sở đôn đốc các đơn vị vận tải trên địa bàn chưa có dữ liệu hoặc dữ liệu không đầy đủ liên hệ với các đơn vị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình yêu cầu truyền dữ liệu của các phương tiện thuộc đơn vị về Tổng cục.
Ngoài ra, từ ngày 25/4, trên hệ thống máy chủ của Tổng cục đã thực hiện áp tốc độ tối đa theo sức chứa và loại xe, kết quả phân tích cho thấy, số lượng xe vi phạm quá tốc độ tăng cao. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ đề nghị các Sở Giao thông Vận tải bố trí cán bộ theo dõi trực tuyến để thực hiện nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp vi phạm./.