Ngày 13/3, Sri Lanka đã gặp sự cố mất điện tồi tệ nhất trong 20 năm qua, gây mất nước sinh hoạt và ảnh hưởng đến giao thông và thương mại trên cả nước.
Sự cố này là lần mất điện lâu nhất kể từ tháng 5/1996, khi cả nước Sri Lanka không có điện trong bốn ngày liền.
Người phát ngôn công ty điện lực Sri Lanka (CEB) cho biết mạng lưới điện quốc gia đã bị cắt từ chiều 13/3 và mọi nỗ lực nối lại đều bất thành vì hệ thống không thể đáp ứng được nhu cầu điện vào ban đêm. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông không hoạt động khiến việc đi lại của người dân trở nên rối loạn.
Nhiều cửa hàng không thể vận hành hệ thống thanh toán bằng thẻ, trong khi hệ thống máy rút tiền (ATM) và các trạm xăng cũng phải ngừng hoạt động vì không có điện. Dịch vụ điện thoại di động và mạng Internet cũng bị cắt tại nhiều nơi vốn không có máy phát điện dự phòng. Tuy nhiên, các bệnh viện trong thủ đô Colombo vẫn làm việc bình thường vì sử dụng máy phát điện.
Sau khoảng 7 giờ, một số khu vực đã có điện trong khi chính quyền thông báo từng bước nối lại mạng lưới điện trên toàn quốc đảo này.
Thứ trưởng Bộ Điện lực và Năng lượng Ajith Perera cho biết Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã triệu tập họp khẩn cấp ngày 14/3 về vấn đề trên.
Sự cố này là lần thứ hai Sri Lanka bị mất điện trên diện rộng chỉ trong chưa đầy một tháng qua, khi mạng lưới điện quốc gia ngừng cung cấp điện trong 3 giờ liền vào đúng lúc Thủ tướng New Zealand John Key đến thăm hòn đảo này cuối tháng Hai.
Trước đó, vào tháng 9/2015, một sự cố mất điện khác cũng đã kéo dài hàng giờ.
Giám đốc CEB Anura Wijepala đã thừa nhận trách nhiệm và xin từ chức vì đã để xảy ra ba sự cố mất điện trên toàn quốc trong vòng sáu tháng./.