Sử dụng vắcxin thế hệ cũ: Khó tránh phản ứng nặng

Theo Phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, việc sử dụng vắcxin thế hệ cũ đã ảnh hưởng đến chất lượng tiêm chủng và trẻ khó tránh phản ứng nặng.
Những ngày gần đây, vấn đề tiêm chủng vắc xin đang trở thành đề tài “nóng”, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân, nhất là sau sự việc bốn trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin. Phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng khẳng định việc sử dụng vắcxin tại Việt Nam bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, chẳng hạn như việc sử dụng vắcxin thế hệ cũ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. [Thêm 1 trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B] Cân nhắc khi sử dụng vắcxin Trước những vấn đề “nóng” liên quan đến tiêm vắcxin cho trẻ đang thu hút sự chú ý của dư luận, ngày 24/7, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và Hội Y học Hà Nội tổ chức Hội thảo “Sử dụng vắcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả.” Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, kiểm định vắcxin, các bệnh viện và cán bộ quản lý ở Trung ương và Hà Nội đã bàn thảo những vấn đề liên quan đến vắcxin và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng. Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh, ở Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua, việc sử dụng rộng rãi vắcxin trong việc tiêm chủng mở rộng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ em đã thu được những thành quả to lớn. Ông Hoan dẫn chứng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có vắcxin bảo vệ giảm hàng trăm lần so với trước đó. Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng, trong thời gian gần đây, có một số trường hợp phản ứng nặng sau khi sử dụng vắcxin, cũng như một số sai sót trong dịch vụ tiêm chủng đã gây bức xúc cho các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng. Đồng quan điểm với ông Hoan, ông Hiển cũng bày tỏ: “Tỷ lệ phản ứng, đặc biệt là các trường hợp phản ứng nặng và tử vong sau tiêm vắcxin trong thời gian vừa qua đã gây nhiều bức xúc trong xã hội. Các kết quả điều tra của các cơ quan chức năng đều chỉ ra rằng chưa có dấu hiệu liên quan tới chất lượng vắcxin. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng vắcxin cũng đã gây ra nhiều trường hợp phản ứng nặng, sốc phản vệ và chỉ được cứu sống nhờ can thiệp hiệu quả, kịp thời. Đó là những tín hiệu để chúng ta cân nhắc và thận trọng hơn về an toàn tiêm chủng.” Theo ông Hiển, vắcxin cũng như các thuốc dùng trong điều trị đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn khi sử dụng. Đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tần xuất các ca phản ứng nặng sau tiêm đã là nguyên nhân để vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem phải bị tạm dừng một thời gian. Việc quyết định tạm ngừng sử dụng Quinvaxem của ngành y tế là một quyết định đúng đắn và đầy trách nhiệm nhưng việc sử dụng lại cũng mang nhiều thách thức trong tổ chức thực hiện.
Sử dụng vắcxin thế hệ cũ: Khó tránh phản ứng nặng ảnh 1
Nhiều trẻ nhỏ đã phản ứng nặng sau khi tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sử dụng vắcxin thế hệ cũ: Khó tránh phản ứng nặng
Là một chuyên gia đã có rất nhiều năm làm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ông Hiển phân tích, mặc dù thành quả của việc sử dụng vắcxin trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng hết sức to lớn trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, song chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức to lớn nhằm tăng cường chất lượng, tính an toàn hiệu quả của việc sử dụng vắcxin. Ông Hiển dẫn chứng, hiện trên thế giới đã có 26 bệnh có vắcxin bảo vệ, nhưng do khả năng tài chính hạn chế, nên trẻ em Việt Nam mới chỉ được sử dụng vắcxin phòng 9 bệnh là: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm đường hô hấp do vi khuẩn Hib. Nhiều bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm mà Việt Nam chưa hoặc đang trong quá trình sản xuất chưa được dùng cho trẻ em như bệnh viêm ruột, dạ dáy cấp do Rota virus, phế cầu, Rubella, quai bị... Đề cập đến khó khăn về vấn đề chất lượng của vắc xin, ông Hoàng Thế Hùng - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho hay, hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng vắcxin ho gà toàn tế bào, do vậy việc sau tiêm có nhiều trường hợp phản ứng như sốt, đau, đỏ đến các phản ứng nặng hơn hoặc toàn thân là khó tránh khỏi. Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Hiển phân tích, hiện nay Việt Nam vẫn sử dụng một số vắcxin thuộc thế hệ cũ như vắcxin ho gà toàn tế bào, vắcxin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không sử dụng. Việc sử dụng vắcxin thuộc thế hệ cũ phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và tỷ lệ các phản ứng sau tiêm chủng. Ông Hiển giải thích: "Vắcxin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên. Chúng ta thử tưởng tượng, cơ thể của trẻ phải phản ứng lại với 3.000 cái kháng nguyên đó. Những phản ứng của cơ thể trẻ như sốt, đau phải rất cao. Nhưng nếu dùng văcxin ho gà vô bào chỉ có từ 3-5 kháng nguyên thì sức phản ứng của trẻ giảm đi rất nhiều và an toàn rất nhiều." Phân tích về vấn đề chất lượng của vắcxin, ông Hiển cho hay, trong thực tế việc sử dụng vắcxin thế hệ mới có yếu tố ho gà vô bào tại các điểm tiêm dịch vụ có trả tiền, tỷ lệ trẻ có phản ứng sốt, đau và các phản ứng nặng hơn rất thấp. Hay như về vắcxin Quinvaxem cung cấp miễn phí cho Việt Nam trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ở nước sản xuất họ chỉ sử dụng vắcxin thế hệ mới vì an toàn hơn. Và đây là một thiệt thòi và là thách thức lớn của công tác sử dụng vắcxin trong phòng bệnh. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa theo ông Hiển là sự đầu tư cho công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam vẫn ở mức quá thấp và chưa tương xứng với nhu cầu và hiệu quả của vắcxin mang lại. “Theo báo cáo của UNICEF và WHO năm 2012 thì ở Việt Nam ngân sách nhà nước chi để mua vắcxin chỉ đạt khoảng 30%, số còn lại là viện trợ. Đó là mới chỉ tính 9 vắcxin đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng,” ông Hiển nhấn mạnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác tiêm chủng cũng là một vấn đề khó khăn được đưa ra bàn tại hội thảo. Theo thông tin từ Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, Việt Nam có ưu thế như hiện có hệ thống y tế dự phòng mạnh và phủ ở mọi tuyến trong cả nước, lực lượng cán bộ làm tiêm chủng có năng lực và nhiều kinh nghiệm và đều được cấp chứng chỉ sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, theo ông Hiển, lực lượng này vẫn còn nhiều điều phải bàn khi thiếu chế độ đãi ngộ, áp lực công việc và đặc biệt họ luôn phải đối mặt với trách nhiệm nặng nề khi xảy ra các phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng hoặc sai sót trong thực hành dù nhỏ, nên nhiều cán bộ đã chuyển nghề hoặc không còn an tâm với công việc. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao chất lượng trong sử dụng vắcxin thì trước năm 2020 cần tăng sự đầu tư về tài chính gấp hai, ba lần hiện tại cho chương trình tiêm chủng mở rộng và tăng năng lực sản xuất cho các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước. Theo Giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng, việc đầu tư trên giúp giải quyết các thách thức cơ bản như tăng số loại vắcxin dùng cho trẻ em, thực hiện việc tiêm nhắc lại vắcxin cần thiết, thay thế vắcxin ho gà toàn tế bào bằng vắcxin ho gà vô bào, thay thế vắc xin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột sang sản phẩm sản xuất từ tế bào vero hay tái tổ hợp hay việc triển khai thêm vắcxin mới trong tiêm chủng mở rộng, nâng cao năng lực cho cơ quan kiểm định và hệ thống kiểm định vắcxin... Ông Hiển đề xuất việc xã hội hóa công tác tiêm chủng như một giải pháp quan trọng. Bởi do nguồn lực có hạn, do vậy cần coi tiêm chủng dịch vụ có trả tiền là hình thức xã hội hóa tiêm chủng thích hợp và cần thiết để trẻ em được tiêm nhiều vắc xin hơn và vắcxin đến được nhiều người hơn. “Đặc biệt, ngành y tế cần có sự kết nối giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ để kiểm soát được chất lượng, an toàn của dịch vụ và tình hình tiêm chủng trong cộng đồng. Việc xã hội hóa thành công của việc tiêm vắcxin dại từ nhiều năm nay là một ví dụ thành công về xã hội hóa,” ông Hiển phân tích./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục