Sự mong manh trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc

Nhìn chung, tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-EU sẽ chủ yếu được quyết định bởi 4 yếu tố, trong đó chỉ có một yếu tố mà Trung Quốc có ảnh hưởng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trang Diễn đàn Đông Á của trường Đại học Quốc gia Australia đã đăng bài viết của tác giả Tim Rühlig, làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nhận xét rằng năm 2020 được coi là một năm quan trọng đối với mối quan hệ Trung Quốc- Liên minh châu Âu (EU) khi chính sách của EU đối với Trung Quốc đang có những thay đổi sâu sắc.

Trong số 4 hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã được lên kế hoạch trong năm nay, 2 hội nghị đầu tiên đã bị hủy, còn hội nghị thứ ba - dự kiến tổ chức vào giữa tháng 9 tới ở Leipzig (Đức) - có nguy cơ chịu chung số phận.

Dường như hai bên sẽ không thể ký Thỏa thuận toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc trong năm nay, sau 7 năm đàm phán. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang làm giảm khả năng Bắc Kinh nhượng bộ các yêu cầu của châu Âu liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn.

[Đức có thể làm gì để vượt qua đại dịch, tái thiết nền kinh tế EU?]

Điều này chỉ làm tăng thêm sự khó chịu ở EU về ít nhất 3 vấn đề vốn định hình mối quan hệ giữa hai bên kể từ năm 2016.

Vấn đề thứ nhất là nhận thức của các nhà hoạch định chính sách châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, vốn coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh không công bằng, đã tăng lên đáng kể.

Vấn đề thứ hai là đánh giá của châu Âu về những diễn biến chính trị ở Trung Quốc đang ngày càng theo hướng tiêu cực, thường xuyên có các kết luận rằng Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang trở nên độc đoán và theo chủ nghĩa dân tộc hơn.

Việc Bắc Kinh xử lý các yêu cầu về cải cách chính trị ở Tân Cương và Hong Kong chỉ thúc đẩy nhận thức của châu Âu về sự khác biệt có tính hệ thống giữa Trung Quốc và EU.

Vấn đề thứ ba là nhiều quan chức EU quan ngại chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang làm suy yếu sự thống nhất châu Âu. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng một số quan chức chính phủ, ví dụ như ở Hungary và Hy Lạp, đã từ chối chỉ trích Trung Quốc, trong khi hầu hết các quốc gia thành viên EU ủng hộ một lập trường chung mạnh mẽ.

Việc Italy ký biên bản ghi nhớ tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là một ví dụ quan trọng khác về việc một quốc gia EU phá vỡ sự thống nhất trong chính sách đối ngoại của châu Âu.

Sự mong manh trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: beltandroad.news)

Trong một báo cáo về việc Trung Quốc thông tin sai lệch về cuộc khủng hoảng COVID-19, Cơ quan Đối ngoại châu Âu gần đây đã giảm bớt những lời chỉ trích. Vài ngày sau đó, Đại sứ EU Nicolas Chapuis đã chấp nhận lược bớt một đoạn chỉ trích Trung Quốc trong một bài xã luận đăng trên Nhật báo Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Có thể nói, châu Âu thiếu sự thống nhất. Các quốc gia Trung-Đông, Đông và Nam Âu hy vọng nhận được các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc sau khi thất vọng về tình đoàn kết của EU trong các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đồng euro.

Tuy nhiên, hy vọng của các nước này đã biến thành thất vọng khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc hiện chủ yếu hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao ở các quốc gia Bắc và Tây Âu.

Tại thời điểm này, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm nảy sinh một vấn đề mới: những thành công ban đầu của chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc dường như đã tan biến và cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể làm tổn hại uy tín của Trung Quốc trong dài hạn.

Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang để lại dấu ấn ở châu Âu. Ba Lan và các quốc gia Baltic mong muốn duy trì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ vì các nước này coi NATO và Mỹ là những "chiếc ô" bảo đảm an ninh quan trọng.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU khác - trong đó có Đức và Pháp - lại đang áp dụng cách tiếp cận có tính chỉ trích hơn trong chính sách đối với cả Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn chung, tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-EU sẽ chủ yếu được quyết định bởi 4 yếu tố, trong đó chỉ có một yếu tố mà Trung Quốc có ảnh hưởng.

Yếu tố đầu tiên phụ thuộc phần lớn vào việc các quốc gia thành viên EU - đặc biệt là nhóm sử dụng đồng euro (Eurogroup) - thể hiện sự đoàn kết như thế nào trong việc khắc phục hậu quả kinh tế của COVID-19.

Sự đoàn kết này sẽ giúp giảm "cơn khát" của châu Âu đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số quốc gia thành viên như Hungary, Croatia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Italy.

Yếu tố thứ hai là tiếp tục hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực hoạch định chính sách, trong đó quan trọng nhất là hệ thống bỏ phiếu theo đa số về chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU.

Yếu tố này có thể giúp châu Âu ít bị tổn thương hơn trước các chiến thuật gây chia rẽ của Trung Quốc và tăng cường sự gắn kết của EU.

Yếu tố thứ ba là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc từ năm 2021 sẽ có tính quyết định đối với quan hệ Trung Quốc-EU.

Sự mong manh trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc ảnh 2Vấn đề Huawei sẽ là một thách thức trong quan hệ EU-Trung Quốc. (Nguồn: scmp.com)

Một phép thử sẽ là các quốc gia thành viên EU làm việc như thế nào với Ủy ban châu Âu và Cơ quan An ninh mạng EU về vấn đề tập đoàn Huawei có thể tham gia vào việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G ở châu Âu ở mức độ nào.

Yếu tố thứ tư là việc tự do hóa kinh tế trong nước ở Trung Quốc giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc có thể khiến EU xem xét lại các lựa chọn chính sách của mình. Việc áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn hay mềm mỏng hơn chủ yếu được thúc đẩy bởi cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Tuy nhiên, một sự thay đổi cơ bản trong chính sách kinh tế của Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra, nhất là khi các mối quan hệ kinh tế đang được “an ninh hóa” ở cả châu Âu và Trung Quốc.

Trên khắp châu Âu, nhận thức về Trung Quốc đang trở nên cấp thiết hơn. Những nhận thức này cần dựa trên sự đồng thuận về 3 nội dung: bảo vệ các công dân và thực thể EU, các vi phạm nghiêm trọng nhất đối với các quy chuẩn quốc tế cơ bản của EU, và các lĩnh vực mà EU có thế mạnh.

Chỉ khi tìm thấy sự đồng thuận về các ưu tiên chính sách và các công cụ dựa theo 3 tiêu chí này, châu Âu mới có thể định hình đúng và tự quyết về mối quan hệ với Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục