Sự phụ thuộc của nền kinh tế Palestine vào Israel

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Israel loại bỏ một số lệnh cấm về vận tải, GDP của PA có thể tăng 6%. GDP của Palestine hiện chỉ ở mức tương đương 4% GDP của Israel.
Sự phụ thuộc của nền kinh tế Palestine vào Israel ảnh 1Đồng Shekel của Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Haaretz mới đây đăng tải bài viết cho hay Bộ trưởng Kinh tế Chính quyền Palestine (PA) Khaled al-Osaily tin tưởng rằng ông có khả năng thuyết phục các nước Arab và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Bờ Tây.

"Chúng tôi kỳ vọng một tầm nhìn về đầu tư Arab và hợp tác tích cực trong việc xây dựng nền kinh tế Palestine và gia tăng hợp tác thương mại, điều này sẽ cho phép Palestine tiếp cận các thị trường Arab và quốc tế," ông Khaled al-Osaily đưa ra bình luận này tại phiên bế mạc Hội nghị Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên đoàn Arab tổ chức tại Cairo vào tuần trước theo đề nghị của Palestine.

Dù vậy, PA chỉ có thể nhận được khoảng 100 triệu USD từ các nước Arab để giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính vốn đang rất nghiêm trọng, do Israel không hoàn trả tiền thuế hải quan thu hộ PA.

Việc Israel giữ tiền thuế của PA vi phạm hiệp định kinh tế Paris được ký kết sau các hiệp định Oslo và dựa trên luật Israel được thông qua vào tháng 7/2018 và có hiệu lực từ tháng 2/2019.

[Israel và Palestine thỏa thuận sơ bộ về tiền thu thuế hộ]

Luật này yêu cầu Israel giữ lại một phần tiền thuế tương đương với phần mà PA đã chi trả cho các gia đình Palestine có người bị Israel giam giữ và những người bị thiệt mạng trong các hoạt động bạo lực với người Do Thái.

Số tiền bị phía Israel giữ lại xấp xỉ 500 triệu shekel, tương đương 141 triệu USD/tháng.

Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas đã quyết định không chấp nhận việc Israel chuyển trả tiền thuế theo từng đợt mà yêu cầu phải chuyển tất cả một lần. Khoản tiền này chiếm tới 60% ngân sách của PA, khiến kinh tế Palestine hiện rơi vào khủng hoảng sâu.

Việc PA thông qua quyết định không nhận lại tiền thuế Israel thu hộ nếu số tiền này được chuyển trả theo từng đợt đã hơn ba tháng. Do đó, PA đã phải cắt giảm ngân sách trả lương, thu hồi lại một số khoản tiền lương đã chi trả vượt mức quy định trước đây, nhưng các biện pháp này chưa giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách.

Sau khi Chính phủ mới tại Palestine được thành lập do ông Mohammad Shtayyeh làm Thủ tướng và với vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập, Israel đã chuyển 565 triệu USD cho PA vào tháng Tám.

Đây là một phần trong thỏa thuận theo đó Israel sẽ giữ lại khoản tiền PA phải trả khi mua năng lượng từ Israel và hoàn trả toàn bộ tiền thuế thu hộ trong bảy tháng. Ngoài ra, PA sẽ có thể thu thuế nhiên liệu của người Palestine.

Theo Bộ trưởng Khaled al-Osaily, việc chuyển trả tiền thuế thu hộ thực sự đã giúp PA giảm một phần khó khăn ngân sách, cho phép họ trả tiền lương cho nhân viên, nhưng số đó là chưa đủ để PA phân bổ nguồn lực cho các kế hoạch phát triển hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Để thực hiện tham vọng biến Palestine thành một trung tâm kinh tế quan trọng có thể sản xuất và xuất khẩu tới các nước Arab, PA cần khoảng 10 tỷ USD đầu tư trong ba năm tới, khoản tiền mà PA khó có thể có được.

Bộ trưởng Khaled al-Osaily vốn là một doanh nhân thành công, người đã theo đuổi con đường của cha mình là Zuhair al-Osaily, và đã thành lập một loạt công ty lớn và làm ăn tại các vùng lãnh thổ Palestine. Ông cũng là một nhà quản lý có kinh nghiệm. Khi còn là Ủy viên Hội đồng thành phố và Thị trưởng thành phố Hebron, ông đã nâng cấp hệ thống thu thuế thành phố, thúc đẩy mô hình thành phố kỹ thuật số tại Bờ Tây.

Các mối quan hệ rộng của ông tại Jordan, Israel và với các doanh nhân quốc tế, sự ủng hộ nhận được từ Tổng thống Abbas và phẩm chất của một doanh nhân đầy quyết tâm sẽ giúp Bộ trưởng Khaled al-Osaily dẫn dắt nền kinh tế PA.

Một trong những quyết định đầu tiên của ông Khaled al-Osaily là xóa bỏ 3.000 công ty, bởi các công ty này không đáp ứng yêu cầu về pháp lý. Ông cố gắng đưa ra những chính sách ưu đãi cho các công ty định hướng xuất khẩu làm ăn có hiệu quả, giảm số nhân viên hành chính dân sự, gia tăng sự tham gia của lĩnh vực kinh tế tư nhân trong quá trình phục hồi kinh tế và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp vào Bờ Tây chỉ đạt 203 triệu USD, giảm 50 triệu USD so với năm 2017. Mục tiêu của Bộ trưởng Khaled al-Osaily là đạt 1 tỷ USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Khaled al-Osaily đã khởi động Hội nghị kinh tế cho Palestine dự kiến được tổ chức tại Cairo vào tháng 11/2019. Cho đến thời điểm đó, ông đã nỗ lực soạn thảo các kế hoạch phát triển và đầu tư để trình bày với các doanh nghiệp và đại diện các nước khi tham dự hội nghị này.

Cản trở cơ bản nhất của ông Osaily là sự phụ thuộc hoàn toàn của nền kinh tế Palestine vào Israel. Vấn đề không chỉ là Israel kiểm soát các con đường xuất khẩu hay thực tế là người Palestine thích làm việc tại Israel, nơi họ được trả lương cao gấp hai lần mức trung bình họ có thể kiếm được tại Bờ Tây.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Israel, khoảng 83% xuất khẩu của Palestine là tới Israel và khoảng 60% nhập khẩu của Palestine là từ Israel.

Việc cấm nhập khẩu các nguyên liệu thô do Israel lo sợ chúng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, hạn chế về đi lại giữa Israel và Bờ Tây và giữa Bờ Tây và Gaza, hạn chế về sản xuất và chấm dứt thỏa thuận mua dầu từ Iraq, đã khiến đầu tư vào Bờ Tây trở nên ít hấp dẫn hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng Tư, nếu Israel loại bỏ một số lệnh cấm về vận tải, GDP của PA có thể tăng 6%. GDP của Palestine hiện chỉ ở mức tương đương 4% GDP của Israel.

Thay đổi sự phụ thuộc về cấu trúc kinh tế của Palestine vào Israel, soạn thảo các thỏa thuận thương mại sẽ cho phép PA độc lập trong việc quản lý nền kinh tế của mình là những điều kiện cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Palestine. Những điều này cũng sẽ phục vụ lợi ích an ninh của Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục